Vì sao giá nhà đất tại khu Đông TPHCM không ngừng tăng?
Ghi nhận thực tế cho thấy, làn sóng phát triển hạ tầng mạnh mẽ của khu Đông đã khiến thị trường BĐS nơi đây liên tục phát triển trở thành nơi tập trung đầu tư của rất nhiều công ty bất động sản hàng đầu trong và ngoài nước. Hàng loạt dự án khu đô thị, khu dân cư tạo nên một cộng đồng dân cư hiện đại, kết nối, với nhiều tiện ích đang được triển khai tại đây, từ đó giá chào bán các phân khúc cũng gia tăng mạnh.
Thị trường BĐS đầu năm 2019 đến nay, nhiều khu vực tại khu Đông những tháng cuối năm không ngừng tăng giá mạnh. Theo lý giải của giới đầu tư, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng là điều dễ hiểu, trong đó lý do chính là sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm thành phố.
Bên cạnh đó, xét ở góc độ nhu cầu chọn khu vực để an cư, trong mắt người có nhu cầu về nhà ở, các quận khu Đông vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt khi khu Đông trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo.
Các quận khu Đông vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt khi khu Đông trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến thị trường BĐS tăng giá nữa là do trên thị trường BĐS khu Đông là hơn một năm qua, nguồn cung BĐS khan hiếm do TPHCM siết chặt các thủ tục pháp lý đầu ra cho dự án nhà ở. Nguồn cung mới ít xuất hiện, giá biến động tăng là điều dễ hiểu. Thống kê cho thấy, mặt bằng giá trung bình trong quý sau tăng hơn 2% so với quý trước, nhiều dự án còn ghi nhận mức tăng 5-7%.
Nếu so sánh giá bán căn hộ tại Quận 2, Quận 9 ở thời điểm hiện tại với cách đây khoảng 2 năm, có thể thấy các căn hộ tại đây đã gia tăng trung bình từ 40–60% giá trị thậm chí có nhiều nơi tăng lên vài trăm phần trăm, và tính thanh khoản luôn đạt tỷ lệ hơn 90%. Đặc biệt, các dự án đã và đang hoàn thiện nằm dọc những trục đường chính của khu Đông như Jamila, Safira đều được "săn" liên tục.
Chẳng hạn, một số dự án khu đô thị dọc tuyến đường dẫn lên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đều có mức tăng mạnh như khu dân cư Merita của Khang Điền đã tăng khoảng 2 tỷ đồng/căn so với thời điểm đầu năm 2016; khu đô thị Palm City của Keppel Land cũng tăng khoảng 3 triệu đồng/m² chỉ trong vài tháng công bố dự án ra thị trường.
Yếu tố hạ tầng giao thông là nguyên nhân đẩy giá nhà đất khu Đông TPHCM tăng mạnh
Bên cạnh đó, còn có một số dự án biệt thự, nhà liền kề quanh trục đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống cũng đang có giao dịch tăng lên so với quý trước do tận dụng một số dự án cầu giao thông mới vừa khởi công xây dựng. Các tuyến đường khác như Tạ Hiện (Thạnh Mỹ Lợi) giá đất ở mức hơn 79,6 triệu đồng/m², đường Đặng Như Mai (Thạnh Mỹ Lợi) 71,5 triệu/m², đường Trương Văn Băng (Bình Trưng Tây) 65 triệu/m², đường Bát Nàn (Thạnh Mỹ Lợi) 61,36 triệu đồng/m². Thấp nhất là đường số 3 (Thạnh Mỹ Lợi) cũng có giá khoảng 36,4 triệu đồng/m²…
Trong khi đó, theo ghi nhận từ một số sàn giao dịch nhà đất quanh khu vực này, ngoài yếu tố hạ tầng giao thông thì chính nguồn cung khan hiếm suốt hơn một năm qua cũng là nguyên nhân đẩy giá nhà đất tăng mạnh.
Nhằm giảm bớt áp lực phương tiện ùn ứ cục bộ tại khu vực ra vào cảng Cát Lái, từ đầu năm 2018, Sở GTVT TPHCM đã đầu tư mở rộng phía đường dẫn cao tốc từ đường Mai Chí Thọ tới cầu Bà Dạt mỗi bên một làn đường rộng 3,5m, dài 150m. Đồng thời, TPHCM sẽ phối hợp cùng một số tỉnh lân cận để thực hiện xây dựng các công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng có quy mô vốn đầu tư lớn. Đó là tuyến đường Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh; nghiên cứu xây dựng tuyến đường mới kết nối cảng Cát Lái đến đường Võ Chí Công; đẩy nhanh tiến độ kết nối đường Vành đai 2 ra xa lộ Hà Nội; tuyến đường Vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TPHCM dài hơn 30km cũng đang gấp rút được thực hiện thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai.
Đánh giá về triển vọng BĐS khu Đông, các chuyên gia cho biết bên cạnh việc kết nối thuận tiện thì khu vực này còn được đánh giá cao bởi không xảy ra tình trạng kẹt xe hay ngập nước và không khí mát mẻ do có nhiều sông, rạch. Những yếu tố này góp phần tạo nên giá trị riêng cho các dự án BĐS tọa lạc tại đây. Chính vì thế, BĐS khu Đông tạo nên hấp lực riêng trên thị trường và dòng tiền của người mua dịch chuyển mạnh về khu vực này cũng là điều dễ hiểu.
Thực tế cho thấy, quỹ đất trống tại khu Đông không còn nhiều, trong khi nhu cầu về nhà ở vẫn tiếp tục gia tăng, đây chính là lợi thế cho các dự án bung hàng ở thời điểm này. Những dự án mới đầy đủ pháp lý, có vị trí đắc địa vẫn thu hút người mua, giá biến động tăng. Theo dự báo của các chuyên gia, BĐS khu Đông sẽ tiếp tục sôi động khi cả người mua lẫn nhà đầu tư đều hình dung được sức hút to lớn của khu vực này cả trong hiện tại lẫn tương lai gần.
Theo TRÀ GIANG/Báo Sài Gòn giải phóng
Ý kiến bạn đọc
(0)