TPHCM: Tất cả sở ngành phải có app, không chỉ website
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
Thành phố yêu cầu tất cả sở ngành phải có app chứ không chỉ website, website hiện nay đã lạc hậu, app mới nhanh được - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói về cải cách hành chính ở TP.
"Cải cách hành chính là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, phải đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, cán bộ công chức, cả doanh nghiệp, người dân. Lãnh đạo TP lúc nào cũng kiên quyết với các hành vi tiêu cực nên nếu người dân mạnh dạn đấu tranh để xử lý vài trường hợp làm gương thì sẽ hạn chế được tiêu cực.
Nếu vẫn còn tình trạng người dân bỏ tiền ra chạy chọt thì thực sự cải cách cải tiến của Nhà nước dù có cố gắng tới mấy cũng sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn", ông Trần Vĩnh Tuyến trao đổi.
* Là người phụ trách công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM, nhìn lại một năm qua, theo ông công tác này có những điểm nhấn nào?
Xây dựng chính quyền điện tử được xác định là nhiệm vụ then chốt của CCHC. Nhờ đó rút ngắn được thời gian, đặc biệt là tạo sự minh bạch công khai, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền, vì chính sự tiếp xúc đó mới tạo ra nhũng nhiễu phiền hà.
* Năm 2018, TP.HCM bắt đầu thí điểm cơ chế đặc thù, đồng thời thực hiện đề án đô thị thông minh. Những điều này sẽ tác động như thế nào đến công tác CCHC của TP?
Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TP được tự chủ và có sự chủ động trong xử lý các vấn đề quản lý đất đai, quản lý dự án... sẽ đóng góp rất tích cực cho việc CCHC, đặc biệt là phân cấp ủy quyền cho cấp dưới.
Cấp nào quản lý trực tiếp thì sẽ được quyền quyết định, chứ không phải như hiện nay là cấp quản lý trực tiếp lại báo cáo cấp trên, mà cấp trên không nắm sự việc rồi cũng lấy ý kiến sở ngành mất thời gian, làm chậm nhịp công việc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khó khăn cho người dân.
Nên cấp nào trực tiếp quản lý thì UBND TP sẽ trực tiếp ủy quyền cho người đó, cấp đó trực tiếp quyết định và chịu trách nhiệm.
TP cũng sẽ đẩy mạnh tự chủ về tài chính, tinh giản biên chế gắn với tự chủ, làm thế nào để ngân sách nhà nước sẽ giảm chi tối đa cho bộ máy sự nghiệp.
Đẩy mạnh tự chủ tài chính thì đời sống của cán bộ viên chức sẽ tăng lên, đồng thời người đứng đầu các đơn vị tự chủ sẽ được quyền quyết định và sẽ cần những người tài, có khả năng quản trị giỏi thì mới được.
* Vừa rồi rất nhiều đơn vị như Quận 1, Quận 12 đưa vào sử dụng nhiều giải pháp chính quyền điện tử. Sắp tới TP có khuyến khích hay bắt buộc các đơn vị khác phải chuyển động theo?
TP sẽ bắt buộc. Quận 1, Quận 12 là đơn vị được chọn thí điểm triển khai đô thị thông minh, nhiều quận cũng có mô hình hay. Vì vậy, mục tiêu của TP là phải nhân rộng những mô hình hay này.
Ngoài ra, những sở ngành như Sở Quy hoạch cũng đã thực hiện tốt công khai quy hoạch trên app (*), Sở GTVT cũng thông tin cho người dân tình trạng kẹt xe, trung tâm chống ngập cũng có phần mềm về chống ngập thông báo tình trạng ngập.
Sau này, Sở Xây dựng cũng phải có app hướng dẫn cấp phép xây dựng cho người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải có app hướng dẫn người dân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
TP yêu cầu tất cả sở ngành phải có app chứ không chỉ là website. Website hiện nay đã lạc hậu rồi không giải quyết được, phải là app mới nhanh được.
"Ra mắt từ tháng 4/2017, Bình Thạnh là địa phương đi đầu của TP.HCM trong việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để người dân phản ảnh về trật tự đô thị, tra cứu hồ sơ, tra cứu thông tin quy hoạch...
Ứng dụng này được thiết kế sẵn các thư mục gửi phản ảnh gồm: phản ảnh trật tự đô thị, tra cứu thông tin quy hoạch, đánh giá sự hài lòng, tra cứu hồ sơ.
Căn cứ vào các hình ảnh, thông tin mà người dân phản ảnh, các cơ quan chức năng của quận sẽ xử lý trong vòng 120 phút.
Theo các phường, nhờ những "bằng chứng" mà người dân cung cấp, các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý các vi phạm, nhất là vi phạm lấn chiếm lòng lề đường.
Kết quả xử lý cũng được phản hồi cho người báo tin được biết. Từ kết quả bước đầu ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng đang nghiên cứu triển khai trên toàn TP một ứng dụng tạm gọi là "TP.HCM trực tuyến".
Ứng dụng này đã được hàng ngàn người dân tải về và gửi thông tin phản ảnh.
Năm 2017, nhiều quận huyện ở TP.HCM đã tích cực đưa vào sử dụng nhiều giải pháp xây dựng chính quyền điện tử.
Cụ thể, đầu tháng 12/2017, Quận 12 đã công bố các giải pháp chính quyền điện tử với các ứng dụng công nghệ như: phần mềm quản lý công việc và quản lý địa bàn dân cư; cổng dịch vụ công trực tuyến; tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến; các giải pháp tiếp nhận phản ảnh, góp ý, đánh giá việc giải quyết hồ sơ và phần mềm tương tác với người dân thông qua ứng dụng di động.
Theo đó, người dân có thể làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể; đăng ký lao động; trích lục hay đăng ký hộ tịch; sao y từ bản gốc; theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Người dân cũng có thể tra cứu hoặc đăng ký đề nghị cấp chứng chỉ quy hoạch trực tuyến.
Trước đó, Quận 1 cũng triển khai 3 dịch vụ công trực tuyến về đăng ký cấp bản sao giấy tờ hộ tịch; cấp phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân không phải đến trụ sở UBND quận mà chỉ cần nộp hồ sơ qua mạng, thanh toán lệ phí trực tuyến và nhận kết quả tại nhà.
Trong cấp phép xây dựng, người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng, xem được bản vẽ mẫu, biết thông tin quy hoạch khu vực mình ở. Sau khi người dân gửi hồ sơ, cán bộ thụ lý sẽ hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh... trực tiếp trên hệ thống."
* App là phần mềm ứng dụng được thiết kế để chạy trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng...
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc
(0)