Thứ Năm, 01/08/2019 | 16:08 GTM+7

TP.HCM: Kiên quyết mạnh tay đối với vi phạm trật tự xây dựng

Ngày 30/7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, có 6.825 công trình vi phạm. Trong đó, có 4.252 công trình được cấp phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên khoảng lùi công trình, xây dựng lấp ô thông tầng; công trình đã hoàn công nhưng lại tiếp tục xây dựng không phép.

Có 2.573 công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 1.156 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và trình Chủ tịch UBND TP ban hành 185 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Một dự án địa ốc có sai phạm trong xây dựng. Ảnh: SGGP.

Cơ chế quản lý phát sinh “tham nhũng vặt”

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các vi phạm này, từ khách quan, chủ quan đến quy định pháp luật, từ cán bộ đến người dân. Phó ban Nội chính Thành ủy Võ Văn Quận nhận xét, cơ chế quản lý đã làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng - dạng “tham nhũng vặt”.

Bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, dư luận vẫn cho rằng hành vi tham nhũng của cán bộ quản lý trật tự xây dựng (TTXD) là một trong những nguyên nhân chính khiến vi phạm về TTXD diễn ra tràn lan. Vấn đề là, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này rất khó phát hiện, vì cơ bản người đưa và người nhận đều có lợi nên không ai phơi bày; sự vào cuộc của các cơ quan phòng chống tham nhũng chưa kịp thời, khiến hành vi này càng sinh sôi và gần như mang tính mặc định, gắn liền hoạt động xây dựng công trình. Thực tế những năm qua, trên 300 cán bộ, công chức quản lý TTXD đã bị xử lý về hành vi công vụ, nhưng chỉ có 1 cán bộ thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè bị xử 1 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Không cấp điện, nước cho dự án sai phạm

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều quận, huyện của TP HCM trình bày nguyên nhân xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để từng bước ngăn chặn tình trạng này.

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nhìn nhận còn hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở. Theo ông Lữ, qua thanh tra, huyện đã xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế công trình vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm, lập hồ sơ xử lý người sử dụng đất... Huyện cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều ra đối với 5 trường hợp tái vi phạm. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lữ đề xuất UBND TP nghiên cứu, bổ sung thêm quy định cắt điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, đề nghị TP cần phải mạnh tay xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng; đồng thời xử lý hình sự các đầu nậu cố tình vi phạm về trật tự xây dựng. Sở Xây dựng TP cũng đưa ra kiến nghị các đơn vị liên quan không cấp số nhà, không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang góp ý và yêu cầu có biện pháp mạnh tay hơn để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép và không phép. Riêng đề xuất cắt điện, nước, ông Trần Lưu Quang nói: "Để lắp đặt đường điện, nước, người dân cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú. Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng có đủ cơ sở để cắt điện, nước đối với các hộ xây dựng trái phép, sai phép không chịu tháo dỡ".

Theo báo Người lao động, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; cần phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu những hành vi vi phạm. Trước mắt, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng vi phạm; đồng thời, tổ chức cưỡng chế ngay những công trình vi phạm xây dựng không phép, trái phép.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Báo TN-MT.

Bí thư Thành ủy TP HCM đã đưa ra một số đầu việc, yêu cầu các đơn vị thực hiện từ nay đến tháng 6-2020. Đó là công trình xây dựng không phép, sai phép phải được xử lý ngay chứ không thể kéo dài. "TP HCM có hơn 1.200 thanh tra xây dựng không thể lúc nào cũng có mặt 24/24 giờ nhưng dân thì có thể vì chỗ nào cũng có dân ở. Nếu dân đồng thuận sẽ phát hiện và xử lý ngay thông qua người dân, lực lượng chuyên trách, nhất là công an khu vực" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Xử lý hình sự đối tượng sai phạm

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp chế tài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng như các giải pháp, biện pháp ngăn chặn các hành vi trật tự xây dựng, như sau:

Không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp TP.HCM cần nghiên cứu các giải pháp cưỡng chế xử lý nhanh đối với công trình sai phép, không đủ điều kiện cấp phép, các giải pháp cưỡng chế, khấu trừ tiền từ các đối tượng vi phạm và xử lý hình sự đối với các vi phạm về trật tự xây dựng.

Đồng thời, Công an TP.HCM cần khẩn trương xác minh, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng; đặc biệt là các đối tượng đầu nậu, đầu cơ, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp; tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, mất an ninh trật tự địa bàn dân cư.

Nguồn: moitruongvadothi.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)