Thứ Sáu, 26/07/2019 | 21:07 GTM+7

TP HCM quy hoạch thành đa trung tâm

Ngoài việc cải tạo khu nội đô, thành phố sẽ quy hoạch hai hướng chính về phía Đông và Nam; phía Tây Bắc sẽ xây khu đô thị mới...

Ngày 24/7, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM cho biết đang tham mưu cho UBND thành phố lựa chọn đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025, như chủ trương đã được Thủ tướng chấp thuận.
Theo đó, TP HCM sẽ đi theo mô hình "đa cực" - tức có nhiều trung tâm. Khu nội đô hiện tại sẽ cải tạo lại và phát triển các không gian ngầm quanh khu vực nhà ga Metro thành các trung tâm thương mại, tiện ích gắn với phương tiện công cộng. Đồng thời, thành phố sẽ phát triển thêm về 4 hướng.

Hướng phát triển mới (màu vàng) của TP HCM. Đồ hoạ: Nguyễn Tâm.

Phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) được phát triển theo hành lang cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây; các khu đô thị mới dọc Xa lộ Hà Nội, điểm nhấn là khu công nghệ cao, khu Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP HCM.

Phía Nam (quận 7, Nhà Bè), thành phố dựa vào điều kiện thuỷ văn, địa hình nhiều sông rạch, quỹ đất phát triển đô thị để phát triển hạ tầng kỹ thuật, phục vụ tiêu thoát nước.

Phía Tây Bắc (quận 12, Hóc Môn, Củ Chi) có quỹ đất và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phía Tây Nam (Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân) chỉ phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp.

Ngoài ra, thành phố cũng xác định tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn, khu biển Cần Giờ và các vùng bảo tồn thiên nhiên.

Mô hình này được đánh giá là có thể giải quyết các bất cập trong hạ tầng kỹ thuật, xã hội (ngập nước, kẹt xe, không gian công cộng) và thích hợp với đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

TP HCM sẽ được quy hoạch đa trung tâm. Ảnh: Y Ho Nhu

Theo ông Lý Khánh Tâm Thảo (quyền trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật đô thị Sở Quy hoạch - Kiến trúc), các quận nội thành đang phát sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý đô thị; thiếu bến bãi đỗ xe và không gian công cộng, chính sách nhà ở cũng dẫn đến mất cân bằng trong phân bố dân cư. Mặt khác, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập nước, đô thị hoá mất kiểm soát... đã gây áp lực lên hạ tầng đô thị của thành phố.

Từ giai đoạn điều chỉnh quy hoạch tổng thể năm 2010 đến nay, thành phố có nhiều thuận lợi phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch đến 2025. Ví dụ như những chuyển biến lớn về các dự án trong mạng lưới giao thông; các trục xuyên tâm, đường vành đai đang dần rõ nét và đưa vào phục vụ người dân...

Liên quan đến đồ án quy hoạch chung, thành phố có 3 lý do chính để kiến nghị Thủ tướng: đáp ứng với cơ sở pháp lý, định hướng quy hoạch vùng đến năm 2030 tầm nhìn 2050; theo yêu cầu định hướng phát triển thích ứng kịp thời với kịch bản biến đổi khí hậu (trong lần điều chỉnh năm 2010 chưa kịp lồng ghép).

Đồng ý chủ trương này, Thủ tướng yêu cầu UBND TP HCM phối hợp các sở ngành triển khai theo quy định của Luật quy hoạch đô thị.

Theo NGUYỄN TÂM/VNExpress

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)