Thứ Tư, 15/01/2020 | 23:01 GTM+7

Thuỷ Viên Coffee: ‘Dư vị’ kiến trúc độc đáo

Thành phố Mỹ Tho được thành lập vào thế kỷ 17. Nơi đây với bề dày lịch sử, văn hóa và xã hội phong phú, trở thành nét đặc trưng độc đáo của một thành phố thịnh vượng, hài hòa với nền văn minh sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những điểm nhấn ấn tượng của thành phố Mỹ Tho là trải qua nhiều thăng trầm vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa của một thời Pháp thuộc.

Thủy Viên Coffee shop là một công trình kiến trúc được hoàn thiện năm 2017 với tổng diện tích  hơn 1200m2. Quán cà phê là sự kết hợp giữa phòng trưng bày đồ cổ tư nhân quy mô nhỏ, bao quanh là cảnh quan thiên nhiên với vườn cây, kênh đào và hệ thống thủy sinh xanh mát. Quán nằm ở vị trí đắc địa gần trung tâm thành phố Mỹ Tho yên bình.

Ấn tượng đầu tiên của Thủy Viên Coffee là hồ nước thủy sinh với những lùm cây bao quanh.

Công trình khi được nhìn từ phía trên cao với mái ngói đỏ ấn tượng. Đỉnh mái nhà được thiết kế ô thông gió.

Thiên nhiên, cảnh quan thị trấn và con người chính là nguồn cảm hứng của công trình này. Mục đích thiết kế dựa trên quan điểm: Kiến trúc là một yếu tố độc lập với bối cảnh, nhưng cũng góp phần kết nối. Đây được coi là “điểm tựa” giúp tòa nhà tồn tại bền vững trước sự biến đổi của thời gian.

Tại Thủy Viên Coffee, nhóm xây dựng đã đề xuất thiết kế kiến trúc theo hình thức không gian. Đó là sự kết hợp của các yếu tố hình học cơ bản được tạo ra từ nguồn vật liệu tại nơi có thể tái sử dụng. Chẳng hạn như nguyên vật liệu gạch, ngói, cửa cũ…từ các ngôi nhà địa phương cũ bỏ hoang hoặc không còn sử dụng.

Giải pháp này làm cho công trình mang tinh thần của đất xây dựng. Bên cạnh đó, sự phóng đại của tỷ lệ hình khối liên quan đến kích thước của con người nhấn mạnh đến sự tồn tại của vật liệu.

Cổng vào quán cà phê với tường bao gạch còn giữ nguyên vẹn màu sắc sơ khai.

Bao quanh khuôn viên là hàng rào với các lớp gạch được xếp chồng lên nhau tạo hiệu ứng bắt mắt.

Công trình bao gồm 3 khu vực: Khu vực chính là nơi mọi người có thể ngồi uống cà phê và trò chuyện, một phần đa chức năng nhỏ và còn lại phần phụ trợ có hình dạng mặt bằng sàn là hình học cơ bản. Toàn bộ khu vực được bao quanh bởi một hồ thủy sinh trung tâm với lối đi lại được bố trí ở giữa.

Trong đó, khu vực chính sử dụng một mái ngói lớn có hình dạng bất đối xứng của một kim tự tháp hình chữ nhật nổi trên hồ, nó được bao quanh bởi các bức tường kính để giải phóng mọi tầm nhìn.

Khu vực chính uống cà phê của công trình.

Không gian bên trong khu vực này tiếp tục được chia làm 3 phần: Khu vực sàn hình vuông, hình tròn và hình tam giác với độ cao khác nhau, qua đó giúp tầm nhìn của người sinh hoạt bên trong ngang với mặt nước hồ bên ngoài.

Mái nhà đục một lỗ ở trung tâm để lấy ánh sáng vào vị trí trước quầy, lỗ được che bởi lớp vải mỏng của bức tranh Mondrian để tạo hiệu ứng in trên sàn khi ánh sáng mặt trời chiếu qua. Nguyên lý băng cửa sổ ngang của Le Corbusier được khuếch đại thành ba mặt để kết nối với cảnh quan thiên nhiên và xóa bỏ ranh giới bên trong và bên ngoài.

Quán cà phê có diện tích rộng rãi, thoáng mát. Thiết kế hoài cổ theo sở thích của chủ nhân.

Phương pháp thông gió tự nhiên nhờ hệ thống cửa sổ ngang bằng kính kết hợp với cửa chớp được thiết kế độ cao thấp tương tự như mặt nước. Điều này giúp lấy gió mát từ hồ nước, cây xanh bên ngoài vào và điều chỉnh nhiệt độ cho mọi không gian của quán cà phê. Thiết kế này giúp không gian thư giãn trở nên tươi sáng và mát mẻ hơn.

Hệ thống cửa sổ ngang bằng kính kết hợp với cửa chớp nhằm thu hút ánh sáng tự nhiên vào căn phòng. 

Nội thất gỗ được tận dụng tại quán kết hợp với khung cảnh thiên nhiên bên ngoài tạo nên sự gần gũi và chân thực.

Ngoài ra, việc giữ toàn bộ cây và kênh nước tự nhiên tại khu vực này làm cho các bộ phận kiến trúc được đan xen trong một cảnh quan xanh nguyên bản, duy trì không khí trong lành cho toàn bộ tòa nhà.

Thủy Viên Coffee sáng lung linh khi màn đêm buông xuống.

Thông tin công trình:
Kiến trúc sư: G+ Architects
Diện tích:1280.0 m²
Năm:2017
Nhiếp ảnh:Hiroyuki Oki
Nguồn: Archdaily

Nguồn dẫn: luxury-inside.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)