Thứ Hai, 02/12/2019 | 17:12 GTM+7

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng trong năm 2020?

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản năm 2019 đã chững lại so với năm 2018 và có thể sẽ tiếp tục trầm lắng trong năm 2020 tới.

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính (VITV) tổ chức diễn ra ngày 27/11, các chuyên gia bất động sản đã có cái nhìn toàn cảnh về thị trường bất động sản trong năm 2019.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho hay, “trầm lắng” là nhận định chung về thị trường bất động sản 2019. Nhiều chuyên gia cho rằng chu kỳ 10 năm khủng hoảng bất động sản 2009 có thể quay trở lại.

Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong quý III-2019, thị trường bất động sản đi theo chiều hướng giảm, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, ở phân khúc căn hộ, so với quý II-2019, tổng sản phẩm mới được chào bán giảm hơn 2.200 căn và giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm 2018. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 5 dự án được mở bán mới so với con số 20-30 dự án mỗi năm trước đó. Ở các tỉnh, thành phố lân cận với Hà Nội, dù được đánh giá như những “miền đất hứa” nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không mấy khả quan...

Mặc dù trầm lắng, nguồn cung nhà ở giảm nhưng theo Tổng Thư ký VNREA, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ nhà ở rất tốt; giá nhà không biến động nhiều. Sự trầm lắng này là khoảng lặng cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận, đánh giá lại các bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời. Các chủ đầu tư có thời gian nhìn nhận, điều chỉnh định hướng đầu tư, chiến lược phát triển. Người dân nhìn nhận lại, cân nhắc lựa chọn loại hình sản phẩm phù hợp... Qua đó góp phần đưa thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Vì sao thị trường BĐS rơi vào giai đoạn trầm lắng?

Theo VTCNews, nhận định tổng quan về thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch VNREA cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn khi chờ đợi nhiều bộ luật, văn bản luật trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như các luật: Quy hoạch, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản…

Một vấn đề nữa là những khó khăn về thủ tục hành chính và sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới. Theo ông Nam, việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án, hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản giảm.

“Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án… đều bị siết chặt, trong khi nhu cầu triển khai dự án của nhà đầu tư lại rất cao. Điều này đã từng được Chính phủ nhắc nhở việc các cơ quan quản lý nhà nước còn có hiện tượng né trách nhiệm, dẫn đến sự chậm trễ trong việc phê duyệt, triển khai dự án và thu hút đầu tư”, ông Nam nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch VNREA, việc tiếp cận đất đai cho các dự án kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn; điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi thực hiện dự án nhà ở còn nhiều vướng mắc; chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập,... cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

CocoBay sẽ không kéo theo sự đổ vỡ của mô hình condotel

Theo báo Hà Nội mới, nói về câu chuyện niềm tin sau vụ CocoBay Đà Nẵng tuyên bố “vỡ trận”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành khẳng định: Đây chỉ là trường hợp cá biệt. Việc không hoàn thành cam kết với khách hàng ở dự án CocoBay là rủi ro nhỏ so với những rủi ro lớn hơn mà khách hàng phân khúc này phải đối mặt như chưa có căn cứ pháp lý để được cấp sổ đỏ, khi xảy ra tranh chấp không được pháp luật bảo vệ do việc mua bán chỉ là thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng...

Khẳng định sự cố CocoBay không kéo theo sự đổ vỡ của mô hình condotel, ông Nguyễn Ngọc Thành còn nhận định, condotel vẫn có tiềm năng phát triển, bởi mô hình này phù hợp với xu thế phát triển của ngành Du lịch đang đà đi lên của Việt Nam.

Liên quan đến rào cản pháp lý, mặc dù từ tháng 8/2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành các quy chế, quy chuẩn đối với condotel như: Chế độ sử dụng đất, quy định về công nhận quyền sở hữu và quản lý vận hành...

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào được ban hành. Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Bộ Xây dựng đang soạn thảo và sẽ sớm ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng condotel...

Theo NHẬT HẠ/moitruongvadothi.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)