Thành phố Hồ Chí Minh: Cảnh báo "bẫy giá" đất nền
Sau thời gian trầm lắng, thị trường đất nền thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu sôi động trở lại. Lợi dụng sự ấm lên này, một bộ phận không nhỏ cá nhân, doanh nghiệp đã đầu cơ, "thổi giá" gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến công tác quản lý phát triển đô thị, thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa nguồn lực đất đai vào khai thác đúng tiềm năng, giá trị.
Trong vai người đi mua đất nền vùng ven thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Hànội mới gặp một người đàn ông tên Hùng (hoạt động dịch vụ nhà đất tại ấp Bình An, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) giới thiệu khu đất có diện tích gần 17.000m2 nằm ở mặt tiền đường Rừng Sác thuộc ấp Bình An, xã Bình Khánh. Ông Hùng cho biết, khu đất trên có 2.300m2 là đất thổ cư (đất xây dựng nhà ở), còn lại là đất nông nghiệp. “Anh mua tôi sẽ bán lại với giá 8,5 triệu đồng/m2 . Mức giá này là “mềm” (thấp hơn) so với các khu đất lân cận”, ông Hùng ngã giá.
Cũng theo lời ông Hùng, từ sau Tết Nguyên đán 2019, giá đất khu vực huyện Cần Giờ đã tăng tới 50%. “Sau khi có thông tin sắp xây cầu Cần Giờ, người dân quận 2, quận 9 qua đây mua rất đông. Người mua nhiều hơn người bán. Phòng công chứng huyện bây giờ tôi chen chân còn không được. Nếu anh đầu tư lớn thì nên mua sớm khi giá đất còn rẻ”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, thực tế mức giá 8,5 triệu đồng/m2 là mức giá đã được dân đầu cơ, “cò đất" đẩy lên gấp nhiều lần so với giá trị thực. Trước Tết Nguyên đán, giá đất khu vực huyện Cần Giờ (đất nông nghiệp có tỷ lệ nhỏ thổ cư) cũng chỉ ở mức 2-3 triệu đồng/m2. Còn tại quận 9, khảo sát của phóng viên cho thấy, giá đất nền mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn gần giao cắt với Xa lộ Hà Nội) không có lô nào dưới 100 triệu đồng/m2 , có lô lên tới 160 triệu đồng/m2 , tăng từ 20 đến 30% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2019. Được biết, đây là mức giá khá cao so với mặt bằng giá cả của thị trường nhà đất tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Theo Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần bảng giá đất của thành phố. Điều này là bất thường, khiến công tác quản lý tài nguyên đất đai và chiến lược phát triển đô thị của thành phố bị ảnh hưởng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, sốt ảo giá đất nền là do giới đầu nậu và “cò” móc nối với chủ đất để phân lô, tách thửa tràn lan.
“Họ cung cấp những thông tin giả về quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án khu đô thị mới... trên các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là mạng xã hội để thổi giá đất, kích động tâm lý đám đông, tạo sóng trên thị trường bất động sản để trục lợi. Người mua cần tỉnh táo, tránh sập bẫy”, ông Lê Hoàng Châu cảnh báo. Về góc độ quản lý, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị giao toàn quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành “bảng giá đất” để bảo đảm nguyên tắc được quy định tại Khoản (1.c), Điều 112, Luật Đất đai yêu cầu giá đất phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” và phù hợp với thực tế đặc thù của mỗi tỉnh, thành.
Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi HĐND thành phố ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố đề nghị xếp quận 2 vào khu vực 2, cùng nhóm với quận 7. Đồng thời, UBND thành phố đã thống nhất đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018, trên cơ sở nhận định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần bảng giá đất của thành phố.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố đang nghiên cứu để điều chỉnh lại tổng thể quy hoạch chung của thành phố. Trước mắt, sẽ điều chỉnh cục bộ để làm thế nào các khu vực đất đai có tiềm năng được đưa vào khai thác đúng giá trị của nó, không để lãng phí cũng như không làm thất thoát tài sản công”.
Theo NGUYỄN LÊ/Báo Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc
(0)