Luật 27 tháng 8, 2019

Tặng cho tài sản, đòi lại được không?

Thứ Ba, 27/08/2019 | 16:08 GTM+7

Khi tình cảm còn thân mật, các bên dễ dàng tặng nhau những tài sản có giá trị. Đến khi tình cảm không còn, đưa nhau ra tòa, rồi mới phát sinh nhiều vấn đề pháp lý. Lúc này đôi bên mới hay, hợp đồng tặng cho tài sản được lập quá sơ sài có thể bị tòa tuyên vô hiệu, hoặc hủy hợp đồng.

Hết tình, đòi lại tiền

Theo dõi các vụ kiện liên quan đến hợp đồng tặng cho tài sản thời gian gần đây, có thể thấy ngày càng nhiều người đã khởi kiện để hủy hợp đồng, hoặc đòi lại tài sản đã tặng cho. Tháng 7-2018, TAND huyện Nhà Bè, TPHCM, xử vụ “Tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản” mà nguyên đơn là một cụ ông 75 tuổi, kiện phụ nữ tuổi 52. Số là hai người có quan hệ tình cảm, sống chung với nhau trong căn nhà 80m2 ở xã Phước Kiển.

Ngày 26-6-2014, ông cụ lập giấy tay cho bà căn nhà nói trên. Nhưng 2 năm sau, họ chia tay, ông cho rằng bà dùng giấy cho tặng nhà làm áp lực nên ông khởi kiện, yêu cầu tòa hủy giấy cho tặng nhà mà ông đã lập trước đó.

Hy hữu hơn, TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cũng vừa xử vụ mẹ chú rể kiện mẹ cô dâu đòi lại 50 triệu đồng mà bà đưa cho nhà gái trước đó để tổ chức đám cưới. Bà cũng đòi luôn con dâu 20 triệu đồng tiền trang điểm, chụp hình cưới. Nguyên nhân vì cưới xong một tháng thì cô gái tự ý bỏ về nhà mẹ đẻ ở cho tới ngày ly hôn. Hai mẹ con đàng gái vắng mặt tại tòa, chỉ hai mẹ con đàng trai đến tòa đòi bồi thường.
Ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, người đàn ông 61 tuổi cũng khởi kiện người mình từng sống chung như vợ chồng suốt 4 năm số tiền gần 130 triệu đồng. Ông liệt kê từng món đã “mua giùm vợ” trong thời gian sống chung từ bộ salon gỗ, tủ lạnh, máy giặt, nệm ngủ, đến cả bếp gas, bàn trang điểm… Cả hai vụ, người khởi kiện đều không đòi được số tiền mình mong muốn.

Bên cạnh đó, cũng có khi người tặng cho khởi kiện vì rơi vào tình huống người kia không thực hiện lời hứa khi nhận tài sản. Đó là trường hợp của anh M. ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Năm 2016, anh tặng vợ căn nhà mà cha mẹ anh để lại. Hợp đồng được lập tại một phòng công chứng, mọi thủ tục sang tên đã hoàn tất.

Một năm sau, hai người ly hôn. Anh nói khi nhận nhà, chị đã cam kết không chuyển nhượng cho ai, mà để đó làm tài sản dành cho con sau này. Nhưng sau đó anh nghe tin vợ cũ đang bán căn nhà. Anh cho rằng chị đã vi phạm thỏa thuận, nên khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho.

Lưu ý tính pháp lý của hợp đồng

Kết quả của vụ kiện trên, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh M. vì theo tòa, anh M. không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc thỏa thuận làm tài sản dành cho con sau này, nên phải chịu hậu quả theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, trường hợp này với tài sản tặng cho là nhà đất, hình thức hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản, được chứng thực tại phòng công chứng. Theo nội dung khởi kiện của anh M. thì đây là dạng hợp đồng có điều kiện, tức về mặt lý thuyết, giữa hai bên có thỏa thuận thực hiện điều kiện thì hợp đồng tặng cho mới có hiệu lực. Với dạng hợp đồng này thì điều kiện, thỏa thuận giữa các bên phải được ghi rõ trong hợp đồng. Hợp đồng tặng cho giữa anh M. và vợ không ghi nhận thỏa thuận này, nên trước tòa, nếu vợ không thừa nhận thì anh không thể chứng minh.

Luật sư Vũ Quang Đức lưu ý thêm, khi giao kết hợp đồng tặng cho cần chú ý đảm bảo những điều kiện mà Bộ luật Dân sự quy định. Điều kiện đầu tiên người tặng cho phải là chủ sở hữu tài sản, hoặc được chủ sở hữu ủy quyền thực hiện hợp đồng. Một số loại tài sản mà pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu như nhà đất, xe hơi, xe máy, cano, du thuyền… thì hợp đồng tặng cho phải được công chứng chứng thực.

Hợp đồng phải ghi cụ thể về người tặng cho, người được tặng cho và tài sản tặng cho. Và nguyên tắc cơ bản là hợp đồng tặng cho phải được lập trên cơ sở tự nguyện. Do vậy, nếu chứng minh việc giao kết này được lập do bị ép buộc, hoặc trong trạng thái tinh thần không tỉnh táo… thì hợp đồng sẽ vô hiệu.

Hợp đồng tặng cho với tài sản là nhà đất, cần được xác lập tại văn phòng công chứng. Ảnh: M.HOA

Đó là trường hợp vừa xảy ra ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ông T., 48 tuổi, đã kiện mẹ mình, yêu cầu bà thực hiện hợp đồng tặng cho 1.089m2 đất để ông làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Ông trình bày, mẹ ông đứng tên quyền sử dụng hơn 2.100m2 đất do ông bà nội để lại.

Ngày 19-6-2017, mẹ ông đã cho ông 1.089m2, có làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại UBND xã. Nhưng khi đại diện chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và cán bộ địa chính xã đến đo đạc thì mẹ ông đứng ra ngăn cản.

Tuy nhiên, bà Th. mẹ ông trình bày, bà bị ép ký và lăn tay vào hợp đồng chứ thật tình bà không đồng ý. Tòa nhận định, hợp đồng tặng cho giữa bà Th. và con trai chỉ có xác nhận của trưởng ấp nên không có giá trị. Mặt khác, quyền sử dụng đất theo hợp đồng tặng cho thể hiện là được cấp cho “hộ bà Huỳnh Thị Th.”. Như vậy, cá nhân bà Th. cũng không có quyền tặng cho quyền sử dụng đất, mà phải được sự đồng ý của các thành viên trong hộ.

Tặng nhà chưa có giấy chủ quyền là vi phạm pháp luật

Trong vụ kiện của cụ ông ở huyện Nhà Bè, tòa tuyên hủy “Giấy cho tặng nhà”, buộc người phụ nữ phải giao trả căn nhà lại cho cụ ông. Tòa nhận định thời điểm tặng cho nhà, cụ ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy tặng cho nhà cũng chỉ là giấy viết tay, không được công chứng chứng thực.

Tòa xét thấy cụ ông có lỗi hoàn toàn vì ông là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đủ nhận thức được việc định đoạt bất động sản khi chưa được Nhà nước công nhận là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn thực hiện.

Theo KHÁNH CHÂU/Báo Sài Gòn giải phóng

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)