Du Lịch - Nghỉ Dưỡng 27 tháng 5, 2019

Tại sao người ta mang lòng yêu Đà Lạt đến vậy?

Thứ Hai, 27/05/2019 | 23:05 GTM+7

Không chỉ cuốn hút với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và khí hậu ôn hòa, Đà Lạt còn mang trong mình những câu chuyện thú vị mà nếu chịu khó để ý một chút, bạn sẽ càng thêm yêu nơi đây.

Để nói về Đà Lạt thì không biết có bao nhiêu câu từ hoa mỹ dành cho nơi đây mới đủ nhỉ? Thành phố xinh đẹp này từ lâu đã quá quen thuộc trên bản đồ du lịch Việt Nam và chiếm cảm tình của không ít du khách phương xa.  Đi du lịch Đà Lạt nhiều rồi nhưng bạn có để ý đến những câu chuyện thú vị mà Đà Lạt sắp kể bên dưới đây không?

1.Thời tiết “ẩm ương” với 4 mùa trong một ngày

Nếu các bạn vẫn thường hay than phiền rằng trời Sài Gòn sớm nắng chiều mưa "đỏng đảnh" thất thường, thì khí hậu Đà Lạt cũng "ẩm ương" chẳng kém đâu nha! Đừng lầm tưởng rằng cứ lên Đà Lạt thì có thể tận hưởng bầu không khí se lạnh mọi lúc. Thực ra thời tiết Đà Lạt một ngày sẽ có đủ 4 mùa: sáng là mùa xuân, trưa là mùa hạ, chiều là mùa thu và tối là mùa đông.

Vào buổi sáng sớm, cả thành phố thường chìm trong sương mù giăng kín lối, đến trưa thì có nắng chói chang nhiều khi khiến ta thấy khá oi bức. Tuy nhiên có những buổi chiều, Đà Lạt thường xuất hiện mưa bất chợt khiến du khách chẳng kịp trở tay. Nhưng các bạn yên tâm, dù là vào thời điểm nào thì buổi tối ở Đà Lạt, trời lúc nào cũng se lạnh, rất thích hợp để chúng ta đi dạo phố hay quấn mình trong chiếc chăn ấm ngủ ngon lành!

2. Thành phố không có đèn giao thông

Đường sá ở Đà Lạt tuyệt nhiên không có bất kỳ trụ đèn giao thông nào nhưng lại có rất nhiều vòng xoay, bùng binh, ngã rẽ các thể loại! Mỗi khi đến ngã tư hay ngã năm, người ta thường phải "huy động" hết mọi giác quan cũng như "lòng lương thiện" để tránh và nhường đường cho nhau. Ngoại trừ những dịp lễ Tết đông khách du lịch thì đường phố Đà Lạt khá rộng rãi, vắng vẻ và ít khi nào bị kẹt xe nên tính ra cũng đỡ phải lo về chuyện không có mấy cột đèn này bạn nhỉ?

3. Tìm số nhà ở Đà Lạt cũng như lạc vào “mê cung” không lối thoát!

Câu chuyện tìm số nhà cũng là một "niềm đau muôn thuở" của bất cứ ai khi đi du lịch Đà Lạt. Sẽ thật sai nếu bạn tra được địa chỉ của nơi mình muốn đến rồi tin tưởng hoàn toàn vào Google Maps mà thẳng tót đến chỗ đó, vì số nhà ở đây thường được đánh loạn xạ, không phân biệt chẵn lẻ, kiến trúc nhà lại khá giống nhau nên rất dễ gây hoang mang. Chưa kể nhiều trường hợp, có những con đường còn được gọi tên theo kiểu ký hiệu như: Dốc Đá, nhà đèn, số 6, số 7, ngã tư,… Lúc đấy thì phải thật "tỉnh táo" vận dụng hết "võ mồm" mà hỏi đường người dân các bạn nhé!

4. Thành phố có nhiều con dốc nhất Việt Nam

Cái tên "thành phố dốc" được mến tặng cho Đà Lạt quả không sai tí nào. Với địa thế nằm ở vùng đồi núi cao thế nên đường sá tại Đà Lạt thường xuất hiện nhiều con dốc, có những đoạn lại quanh co ngoằn ngoèo làm khó biết bao tay lái. Điều đó khiến nơi đây trở nên thật "mềm mại", nên thơ nhưng cũng không kém phần "gai góc", độc đáo khi bạn phải thường xuyên leo dốc trên mọi nẻo đường.

Đến Đà Lạt, bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi nghe tên gọi của nhiều con dốc kỳ lạ như: dốc Nhà Bò, dốc Nhà Làng, dốc Đá, dốc Trời Ơi, dốc Dã Chiến,… Thậm chí có nhiều con dốc trông như… dựng đứng thẳng tắp như dốc Nhà Bò nổi tiếng mà chỉ khi đặt chân đến đây, tận mắt chứng kiến cảnh người dân lao vèo vèo từ dưới lên trên, bạn sẽ phải trầm trồ ngạc nhiên!

5. “Thủ phủ Homestay” của cả nước đích thị là Đà Lạt!

Ở Đà Lạt hầu như có đầy đủ tất cả mọi thể loại nghỉ dưỡng - lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, resort cao cấp,… Và đặc biệt nhất vẫn là loại hình homestay quen thuộc từ lâu đã giúp nơi đây được mệnh danh là "thủ phủ homestay" ở Việt Nam. Được biết, hiện tại số lượng phòng nghỉ tại Đà Lạt đạt gần 15.000, tuy nhiên con số này dường như vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách vào mỗi mùa du lịch cao điểm.

Cái này thì chắc nhiều bạn sẽ để ý nè! Thường khi nhắc tới homestay - khách sạn – nhà nghỉ, một trong những điều chúng ta luôn quan tâm đầu tiên chính là… cái máy lạnh! Thế nhưng nếu nhớ rằng mình đang ở Đà Lạt với sự mát mẻ hầu như xuyên suốt từ sáng tới chiều, ban đêm có khi trời còn lạnh buốt thì cần gì phải lăn tăn đến cái máy lạnh nữa đâu!

6. Người Đà Lạt và 1001 câu chuyện thú vị

Dĩ nhiên do sống ở Đà Lạt lâu năm nên người dân nơi đây cũng chẳng "mặn mà" lắm với các thể loại như khu du lịch, homestay, quán cafe các kiểu. Đi du lịch Đà Lạt mà dừng lại hỏi đường, hỏi chỗ ăn uống hay mua sắm thì may ra được, chứ đi hỏi địa chỉ mấy homestay, quán cafe, khu du lịch, vui chơi… thì đa số chỉ nhận lại được những cái ú ớ lặng im thôi mấy bạn ạ!


Về cách ăn mặc, hầu như người dân Đà Lạt luôn khá kín đáo. Đến Đà Lạt mà ăn diện kiểu "trên đông dưới hè", chân mang dép lào hay quần áo hở hang quá thì biết chắc chắn không phải dân gốc ở đây rồi! Người Đà Lạt tuy quen sống cùng cái lạnh nhưng mỗi khi ra đường vẫn thường trùm áo khoác kín kẽ. Dù trời có nắng đến mấy nhưng vẫn phải khoác cái áo mới chịu được, riết rồi trở thành thói quen khó bỏ!

Về cách ăn nói, ngoài việc hay đệm từ "dạ" vào trước mỗi câu nói của mình thì người Đà Lạt cũng hay đệm từ "tè" vào sau những tính từ như "lạnh tè", "vui tè", "hay tè",... Ngoài ra người Đà Lạt còn thường thêm từ "hơ" ở cuối câu như "ừ hơ", "đúng hơ", "dễ hơ",... Khi kể chuyện thì hay dùng cụm "xong cái… xong rồi cái…",… Nghe thú vị phết các bạn nhỉ?

Về lối sống, có một điều khá thú vị là người Đà Lạt thường không thích đi siêu thị. Trước khi siêu thị ngay chỗ Quảng trường Lâm Viên được mở thì không có chỗ nào tồn tại được lâu, thậm chí giờ lên Đà Lạt thử để ý các bạn cũng sẽ thấy ở đây chẳng có bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào luôn! Người Đà Lạt thường đi cho biết, cho vui thôi chứ bình thường ít khi vào siêu thị để mua hàng, có lẽ do vừa bất tiện mà giá còn đắt hơn ở chợ nữa!

7. Những món ăn “Hổng giống ai”!

Ở Đà Lạt, người ta thường gọi rau câu là Đông Sương, bánh flan thì gọi là kem flan, gỏi khô bò thì gọi là xắp xắp, chả giò thì gọi là chả ram bắp,… Ngoài ra còn có cực nhiều món ăn ngon chỉ "cộp mác" nơi đây như: ốc bươu nhồi thịt, bánh ướt lòng gà, bánh căn, sữa đậu nành bò,… Nên phải học thuộc những tên gọi này mỗi khi đến Đà Lạt để ăn cho "chuẩn bài" nhé!

8. Tên gọi các địa điểm du lịch nổi tiếng thường bị lầm tưởng

Kể đâu xa, có 2 trường hợp thường bị du khách lầm tưởng nhất đây nè! Đầu tiên, tên thật của Nhà thờ Con Gà "huyền thoại" là nhà thờ chính tòa, người ta quen gọi là Nhà thờ Con Gà đơn giản vì trên đỉnh tháp chuông của nhà thờ có hình một con gà. Ngoài ra, Hồ Xuân Hương là một cái hồ tên… Xuân Hương, chứ không phải là hồ được đặt theo tên của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng đâu nha! Sở dĩ hồ mang tên Xuân Hương là vì vào mùa xuân, mùi thơm của hoa lá cỏ cây phảng phất quanh hồ rất cuốn hút.

Theo Nhu Nguyen (Wiki Travel)

Nguồn: vietravel.com

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)