Thứ Bảy, 09/03/2019 | 15:03 GTM+7

'Sốt' đất ở Đà Nẵng: Nguy cơ 'vỡ trận', kiến nghị Chính phủ chỉ đạo

Trước “cơn sốt” giá đất tại khu vực các chuyên gia cảnh báo nguy cơ "vỡ trận" như từng xảy ra vào những năm trước đây.

Đường Đô Đốc Lân (TP Đà Nẵng), nơi công ty Quảng Đà vẽ dự án để rao bán các lô đất nền đang bị CA TP Đà Nẵng điều tra làm rõ hành vi lừa đảo. Ảnh: Thanh Trần

Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, đất tăng giá sau Tết như là quy luật của mỗi năm. Hiện tại, giá đất Đà Nẵng lên rất cao, chỉ có thể nói đã “chạm trần” trong một khoảng thời gian ngắn chứ không dám khẳng định còn tăng nữa hay không. Ông cũng nhìn nhận nhu cầu thực sự của người dân cực kỳ ít, chủ yếu các sàn, dân môi giới hoặc những người có tiền đổ vào mua qua bán lại tạo nên cơn sốt ảo.

Ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, giá trị thực chất của mỗi lô đất được đánh giá khi nó nằm ở khu vực, khu dân cư nào, đường sá, các tiện ích xung quanh. Không có chuyện đất sáng một giá chiều một giá trong khi không có gì thay đổi. Rõ ràng là cơn sốt ảo mua qua bán lại kiếm lời. Ông cũng nêu thực tế ở Đà Nẵng, hiện tại đi bất cứ đâu cũng gặp người môi giới bất động sản. Họ có đầu mối tiếp cận thông tin, nắm bắt và làm chủ thị trường. Trong khi người cần đất thực sự cực kỳ ít, lại hiểu biết đất đai mập mờ nên tạo ra sự mất cân bằng, dẫn đến nhiều rủi ro.

“Cứ người này mua rồi hét giá bán cho người kia, liên tục như thế giá đất sẽ tăng vùn vụt. Giá leo thang từng giờ chứ không phải từng ngày nữa. Khi mức giá quá cao, người cuối cùng sẽ chịu trận vì không bán lại được. Từ đó vỡ trận, mặc nhiên giá đất phải hạ xuống. Thông thường năm nào cũng có 2 lần vỡ trận”, ông Tâm nói.

“Người có nhu cầu mua đất thực sự cần phải tỉnh táo, nắm bắt thông tin chuẩn xác để tránh những thiệt hại đáng tiếc. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng nên minh bạch cho người dân biết những dự án nào sẽ triển khai ở địa phương. Khi “cò” tung tin có dự án để đẩy giá đất, thì cũng nên thông tin cho dân biết chính xác có hay không”, ông Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc một Cty bất động sản ở Đà Nẵng cho rằng, từ một sản phẩm, qua các khâu môi giới mà gọi tắt là “cò”, cuối cùng đất nền mới tới tay người có nhu cầu mua sử dụng thực sự. Cứ mỗi lần giới thiệu qua lại giá sẽ tăng lên để có hoa hồng của môi giới. Hậu quả là người dân chịu thiệt, còn “cò” hưởng lợi.

“Giá đất tăng một nguyên nhân là hiện nay, do bất cứ ai cũng có thể làm môi giới. Số lượng môi giới không thể kiểm soát được và cấu kết thông đồng với nhau để đẩy giá, làm trò để kiếm lời. Một nguyên nhân nữa khá quan trọng là các định hướng phát triển của chính quyền, các dự án sắp triển khai cũng khiến giá đất nhảy theo” ông Anh cho biết.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản hiện nay của Đà Nẵng và Quảng Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ vỡ trận, bởi giá hiện nay đã lên mức “khủng”. Nhất là trong trường hợp các ngân hàng siết chặt việc cho vay, tăng lãi suất, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền.

UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TP gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản. UBND TP Đà Nẵng cho biết, vấn đề đặt cọc trong mua bán bất động sản, trên địa bàn hiện có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật.

Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán bất động sản (như đặc điểm bất động sản, tiến độ nộp tiền, …), sau đó khách hàng này tiến hành “chuyển cọc” qua nhiều khách hàng thứ cấp để “hưởng chênh lệch”. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, gây thất thu thuế của nhà nước, mà còn phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý hết sức khó khăn do hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật về dân sự. Do hiện  nay chưa có hướng dẫn cụ thể, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Ban chỉ đạo trình Chính phủ có ý kiến chỉ đạo vấn đề này.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản hiện nay của Đà Nẵng và Quảng Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ vỡ trận, bởi giá hiện nay đã lên mức “khủng”.

Theo THANH TRẦN - NGUYỄN THÀNH/Báo Tiền Phong

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)