Thứ Bảy, 21/09/2019 | 18:09 GTM+7

Quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến trước đề nghị của UBND Kiên Giang về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo định hướng khu kinh tế.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 và quy định pháp luật về quy hoạch.

Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốctheo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 739/TTg-CN ngày 8/6/2018 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.

Đầu tháng 8, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành "đặc khu kinh tế" cho tới khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua. Kiên Giang muốn sử dụng ngân sách địa phương để lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành "khu kinh tế".

Trước đó, tháng 6/2018, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc và lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế). Kiên Giang chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch theo Luật Đấu thầu và các quy định khác.

Theo lãnh đạo tỉnh, Quốc hội vẫn chưa đưa trở lại Dự án Luật Đặc khu vào chương trình xây dựng pháp luật sau khi hoãn xem xét vào cuối năm 2018. Do đó, việc quy hoạch tỉnh gặp vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.

Theo Nghị định 29/2018, khu kinh tế là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư. Một khu kinh tế phải có diện tích tối thiểu là 100 km2, có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực (có cảng biển nước sâu hoặc gần sân bay), kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế...

Khu kinh tế cũng được hưởng một số ưu đãi về thuế, ngành nghề ưu tiên, song mức ưu đãi thấp hơn so với những dự kiến triển khai với đặc khu kinh tế.

Hiện, Việt Nam có một số khu kinh tế như Chu Lai, Vũng Áng, Dung Quất, Nhơn Hội, Đình Vũ - Cát Hải...

Theo BẢO VY/bizlive.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)