Trong nền kinh tế hậu suy thoái và thị trường việc làm ngày càng bão hòa thì một số phương pháp quản lý tài chính cá nhân như: Dành dụm tiền bạc để sử dụng khi nghỉ hưu, chi tiêu ít hơn,… đã không còn phù hợp. Hãy tham khảo những nguyên tắc vàng về quản lý tài chính sau đây để có sự thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện tại.
1. Về vấn đề nhà ở
Phương pháp cũ: Mua nhà tốt hơn là “vứt” tiền để thuê nhà
Quản lý tài chính có liên quan mật thiết đến vấn đề về nhà ở vì chi phí cho điều này thường rất lớn. Việc sở hữu một căn nhà là “giấc mơ” không của riêng ai. Thay vì phải trả một khoản tiền thuê nhà, chi phí sửa chữa,… cho người chủ sở hữu, mọi người chọn cách là cố gắng có được một căn nhà thật sự cho riêng mình. Có vẻ, đây là một phương pháp tài chính thông minh.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng về nhà ở diễn ra, các ngân hàng thường khuyến khích người vay mua nhà với mức giá cao hơn khả năng chi trả của họ và cuối cùng, tài sản đó sẽ bị tịch thu. Hãy luôn tỉnh táo để nhớ rằng, trừ khi bạn đủ giàu để trả tiền mặt hoặc có khả năng tài chính bền vững, đừng dại dột mua nhà bằng mọi giá.
Phương pháp mới: Thuê nhà có thể là một lựa chọn thông minh nếu bạn biết tính toán
Thay vì dồn toàn bộ số tiền mà bạn có được để mua nhà, bạn có thể thuê nhà và dùng số tiền đó để đầu tư sinh lời. Thuê nhà đồng nghĩa với việc bạn không phải chi trả cho những khoản phí như mua nhà, sửa chữa, thuế, bảo hiểm,…
Tuy nhiên, không nên quá rạch ròi việc thuê hay mua nhà là tốt hơn. Hãy cân nhắc điều này dựa trên các yếu tố: nơi bạn sống, giá nhà đất, thời gian dự định sống trong ngôi nhà đó,… Như vậy, đừng theo đuổi việc sở hữu nhà ở một cách mù quáng. Thay vào đó, bạn hãy tính toán thật phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bản thân để có được những bước đi đúng đắn nhất.
2. Dự định đầu tư khi còn thiếu nợ?
Phương pháp cũ: Trước khi nghĩ đến đầu tư, hãy trả hết nợ
Việc quản lý tài chính của những người có khoản nợ thường rất phức tạp. Bạn cố gắng làm việc để trả lãi cho chủ nợ nhưng thực chất điều này chỉ làm bạn mắc nợ nhiều hơn. Theo Student Loan Hero, trong năm 2017, trung bình mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ nợ một khoản vay sinh viên trị giá gần 40.000 đô la. Điều đó có nghĩa là họ sẽ dành ít thời gian hơn để đầu tư mà chỉ tập trung vào kiếm tiền trả nợ.
Phương pháp mới: Trả hết các khoản nợ lãi suất cao trước và xem xét đến việc đầu tư
Trước tiên, bạn nên ưu tiên tuyệt đối vào việc trả những khoản vay có lãi suất cao. Sau đó, thay vì hoãn việc đầu tư cho đến khi trả xong nợ, hãy xem xét thực hiện đồng thời điều này khi trả những khoản đầu tư có lãi suất thấp hơn.
Holden Lewis – một nhà văn và nhà nghiên cứu tại NerdWallet nhận định “Trả hết tiền thế chấp của bạn càng sớm càng tốt.” Tuy nhiên, những năm gần đây, lãi suất thế chấp thường ở mức thấp. Điều này khiến nhiều chuyên gia suy nghĩ lại về nguyên tắc này. Nếu bạn tự tin có thể nhận được lợi nhuận cao hơn tỷ lệ lãi suất thế chấp, hãy mạnh dạn đầu tư.
3. Tiết kiệm tiền để nghỉ hưu
Phương pháp cũ: Tiết kiệm 10% tiền lương của bạn cho nghỉ hưu
Trong một thời gian dài, các chuyên gia về tài chính đã khuyên mọi người nên áp dụng nguyên tắc 10% trong quản lý tài chính: Giữ 10% tiền lương của bạn trong tài khoản để sử dụng khi về hưu. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, tiết kiệm 10% là không đủ. Với việc giảm các chính sách hưu trí và trợ cấp an sinh xã hội, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng người lao động cần tiết kiệm nhiều hơn nữa.
Phương pháp mới: Tính toán số tiền bạn sẽ cần khi nghỉ hưu, sau đó có kế hoạch tiết kiệm tương ứng
Mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau khi về hưu. Vì vậy, thay vì dựa vào quy tắc 10%, hãy tính xem bạn cần bao nhiêu khi về hưu. Sau đó, hãy tính xem từ bây giờ mình phải tiết kiệm bao nhiêu. Một số công cụ tính toán trực tuyến như Fidelity hoặc Bankrate có thể phỏng đoán số tiền bạn nên cố gắng tiết kiệm từ bây giờ để có thể nghỉ hưu thoải mái ở độ tuổi mà mình mong muốn.
Quản lý tài chính không phải là một công việc đơn giản nhưng khi bạn nắm bắt được những quy luật của đồng tiền và thực tiễn cuộc sống hiện đại, bạn vẫn hoàn toàn có thể làm chủ được tài chính của mình. Nếu còn băn khoăn không biết phương pháp nào là phù hợp với bản thân, hãy tham khảo lời khuyên của các chuyên gia trong khóa học Khóa học Quản lý tài chính – Định hình phong cách.
Bên cạnh đó, muốn có một công việc tốt với thu nhập cao, bạn cũng có thể tham khảo thêm Khóa học Kỹ năng về lập kế hoạch và quản lý công việc. Đây chính là hành trang vững chắc nhất để bạn tự tin làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời của mình.
Nguồn: vietnamworks.com
Ý kiến bạn đọc
(0)