Thứ Sáu, 15/06/2018 | 23:06 GTM+7

Quá tải hạ tầng nội đô: Cao ốc có phải “tội đồ”?

Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, hàng loạt cao ốc hình thành thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo nên sắc thái mới của sự phát triển. Song, việc tập trung nhiều công trình cao tầng khu vực nội đô đã và đang gây sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị và bị nhìn nhận là nguyên nhân gây úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… Vậy cao ốc có phải là “tội đồ”?

Việc phát triển cao ốc không gắn với quy hoạch và hạ tầng là nguyên nhân dẫn đến quá tải, ùn tắc giao thông. Ảnh: Tiến Tuấn

Vừa là “công” vừa là “tội”?

Theo các chuyên gia, nhà cao tầng hiện diện trong lòng đô thị Việt Nam là một tất yếu của quá trình đô thị hóa và phát triển hội nhập toàn cầu. Việc hình thành các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng đã tạo điều kiện cho hàng triệu người dân có nhà ở. Bên cạnh các dự án, khu đô thị đã hình thành trước đây thì thời gian qua tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vẫn có nhiều dự án nhà cao tầng được tập trung phát triển tại khu vực nội đô. Lý do đơn giản là vì khu vực này có giá trị kinh doanh cao, thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên chủ đầu tư dễ bán hàng, thu nhiều lợi nhuận...

Nói về “công”, quả thực không thể phủ nhận việc xen cấy các nhà cao tầng tại khu vực nội đô mang lại những kết quả bước đầu như nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị đầu tư, bổ sung quỹ nhà ở, văn phòng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ…, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển khu vực lân cận.

Song, về “tội”, việc tập trung quá nhiều nhà cao tầng, khu đô thị tại một số khu vực trong nội đô đã và đang gây ra rất nhiều bất cập. Đó là sự thiếu đồng bộ về cảnh quan kiến trúc; cấu trúc đô thị trung tâm và quy hoạch đô thị bị phá vỡ; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông bị quá tải và tắc đường đang xảy ra “như cơm bữa”.

Tại Hà Nội, không chỉ đường nhỏ, phố nhỏ mới tắc, mà ngay cả đường rộng với mặt cắt lớn như đường: Tố Hữu, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng… cũng tắc.

Nguyên nhân là quá nhiều cao ốc được xây dựng dọc theo các trục đường này. Đường Tố Hữu dài khoảng 6km với mặt cắt 40m, 6 làn xe, hè 2 bên - mỗi bên 10m nhưng đang hiệu hữu khoảng gần 40 nhà cao tầng; hay phố Nguyễn Tuân với mặt đường nhỏ hẹp cũng có hơn 20 tòa chung cư…

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, hạ tầng kỹ thuật trong các khu vực nội đô cơ bản ổn định, chỉ đáp ứng vừa đủ cho quy mô đô thị hiện hữu, khả năng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế. Việc xây dựng nhà cao tầng xen cấy trong khu vực nội đô, trên cơ sở hạ tầng hiện hữu, với mật độ cao, diện tích sàn tăng lên, số người tập trung lớn… sẽ trở thành một gánh nặng thật sự, gây quá tải cho hạ tầng kỹ thuật.

Cần dừng xây cao ốc không đúng quy hoạch

Việc tập trung nhiều công trình cao tầng khu vực nội đô đã và đang gây sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ảnh: Nhật Nam

Thực tế, nhà cao tầng là một thành phần không thể thiếu trong các thành phố hiện đại. Những thành phố lớn có lịch sử phát triển lâu dài như: New York, Chicago (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản), Singapore và gần đây như thành phố Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc)… cao ốc là niềm tự hào và là biểu tượng cho sự phát triển, phồn thịnh.

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, cả nước đã có 813 đô thị với mức độ đô thị hóa 37,5%, trong đó có rất nhiều đô thị mới được hình thành. Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, tốc độ đô thị hóa phát triển quá nhanh, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát tình trạng dân cư tự phát, gia tăng mật độ xây dựng đã dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững.

Khẳng định cao ốc không phải là thủ phạm gây quá tải hạ tầng, bức tử giao thông, nhiều chuyên gia xây dựng - quy hoạch cho rằng, chính việc phát triển cao ốc không gắn với quy hoạch, đặc biệt là các tòa cao ốc không có hạ tầng nội khu và thiếu sự kết nối mới là thủ phạm. Nếu giải quyết tốt bài toán quy hoạch thì cao ốc là giải pháp tốt nhất cho giao thông đô thị do tối ưu hóa được hệ số sử dụng đất. Nhờ cao ốc, mật độ xây dựng được giảm thiểu, tạo không gian để tổ chức giao thông khoa học và các công trình công cộng.

Bàn về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ, việc phát triển nhà cao tầng trong khu vực nội đô cần thực hiện nghiêm theo quy hoạch và thiết kế đô thị đã được duyệt. Song song với việc xây mới các cao ốc, việc đầu tư xây dựng và cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật phải được quan tâm. Đặc biệt, việc cấp phép không đúng quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch cục bộ chạy theo dự án không đúng đều phải bị nghiêm cấm.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Tố Lăng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, công tác lập quy hoạch cần đề ra được các mục tiêu cơ bản nhằm tổ chức không gian chặt chẽ. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cần được quan tâm, tránh tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Không xây dựng nhà cao tầng tràn lan, mà cần lựa chọn những khu vực thích hợp trong thành phố cho việc xây dựng tập trung nhà cao tầng, bên cạnh đó cần tạo những không gian trống, cây xanh, mặt nước tạo môi trường sống trong lành cho đô thị.

Theo Báo Hà Nội mới


Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)