Phú Quốc, Đà Lạt ngập nặng: Hậu quả của phát triển nóng
Thành phố Đà Lạt và đảo ngọc Phú Quốc - thiên đường về du lịch, nghỉ dưỡng, vừa trải qua đợt ngập lịch sử. Đây là điều nghịch lý với đặc thù địa lý cao nguyên và đảo của các địa phương này. Nguyên nhân lớn được chỉ ra, đó là do tình trạng phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch.
Nước từ thượng nguồn đổ về suối Cam Ly không thoát kịp gây ngập nhà kính ven suối. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Ngập nặng nhất từ trước tới nay
Ngày 11-8, trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tiếp tục có mưa, nhưng lượng mưa nhỏ hơn những ngày trước đó. Nước cũng đã rút và nhiều hộ dân quay về nơi ở của mình. Ông Lê Văn Nghĩa, ngụ thị trấn Dương Đông, bộc bạch: “Mấy chục năm sinh sống trên đảo này, lần đầu tiên chứng kiến đợt mưa lớn kéo dài, khiến Phú Quốc bị ngập khủng khiếp. Nhiều khu dân cư, tuyến đường bị ngập sâu khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn”.
Ông Trần Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, cho biết: “Từ ngày 2 đến 5-8, do ảnh hưởng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên hầu khắp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có mưa giông và gió mạnh. Riêng ở đảo Phú Quốc, lượng mưa được Trung tâm khí tượng thủy văn Kiên Giang đo tổng của 4 ngày là 501,2mm. Đây là lượng mưa kỷ lục diễn ra trong thời gian ngắn”.
Khi tình trạng ngập cục bộ chưa hết, thì mưa tiếp tục diễn ra; trong đó chiều ngày 8-8 mưa lớn làm cho mực nước liên tục dâng cao.
“Chúng tôi phải nhờ đến lực lượng biên phòng, Lữ đoàn 950, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4, công an, quân sự… hỗ trợ để cứu hộ, đưa người dân ra khỏi những nơi bị nước chia cắt, cô lập. Lực lượng chức năng đã cứu hộ, hỗ trợ cho 1.567 người dân vùng ngập lũ; sơ tán gần 2.000 người bị ngập nhà đến nơi an toàn; các tổ chức đoàn thể nấu hàng ngàn suất cơm miễn phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn; nhiều chủ khách sạn, nhà trọ tạo chỗ ở miễn phí cho bà con vùng ngập tạm trú…”, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết.
Nhà dân tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) bị ngập sâu vào ngày 8-8
Theo thống kê, mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm ngập hơn 63km đường ở huyện Phú Quốc với độ sâu trung bình từ 0,7m, có nơi ngập tới 2m; toàn đảo Phú Quốc có khoảng 8.424 căn nhà bị ngập, 24 căn bị sập và tốc mái, rất nhiều vật dụng, tài sản của người dân bị ngập nước, hư hỏng… Tổng thiệt hại do ngập gây ra hơn 107 tỷ đồng. Rất may không có thiệt hại về người.
Là thành phố cao nguyên, nhưng gần đây, nhiều khu vực tại TP Đà Lạt đã bị ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Trong đợt mưa lũ vừa qua, TP Đà Lạt có khoảng 11 căn nhà bị ngập, trong đó sập tường 3 nhà, 20ha hoa và rau màu, 3.000m² nhà kính tốc mái, hàng chục ô tô bị ngập.
Không chỉ đợt này, trong những năm qua, tình trạng ngập cục bộ tại TP Đà Lạt đã xảy ra tại các khu vực như quanh hồ Mê Linh, đường Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, dọc suối Cam Ly đoạn qua đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình (phường 8, phường 9), dọc suối Cam Ly đoạn qua khu dân cư Mạc Đĩnh Chi, Hoàng Diệu, ven suối Phan Đình Phùng khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
UBND tỉnh Kiên Giang vừa trình Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua. Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc. Theo UBND tỉnh Kiên Giang, đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc. Thế nhưng, theo Luật Quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, song nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt. Vì vậy, nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc… |
Mặt trái của đô thị hóa
Ông Huỳnh Xưng (nông dân trồng rau ở phường 9, TP Đà Lạt) cho rằng, ngày xưa Đà Lạt có nhiều hồ thuỷ lợi, nếu mưa nhiều nước cũng sẽ chảy bớt vào các hồ chứ không đổ dồn ra suối như hiện nay. Riêng đoạn dọc suối Cam Ly từ đường Lý Thường Kiệt xuống tới hồ lắng của hồ Xuân Hương kéo dài gần 2km hiện giờ bị các nhà kính, nhà dân xây dựng ra sát bờ suối, thu hẹp dòng chảy. Nước đổ về nhiều kéo theo rác thải nông nghiệp khiến dòng suối đã nhỏ lại càng khó thoát nên mỗi lần mưa lớn nước suối lại tràn vào những vườn xung quanh.
“Trước kia hồ Vạn Kiếp rộng hàng chục héc-ta nhưng giờ chỉ còn là khe suối nhỏ, dấu tích của hồ gần như bị xoá sổ”, ông Võ Đình (người dân TP Đà Lạt) cho biết.
Nhiều nhà kính xây dựng trên khu vực trước kia là hồ Vạn Kiếp (Đà Lạt)
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển quá nhanh nhà kính cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng tại TP Đà Lạt. Nếu như cuối thập niên 1990, TP Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính thì hiện nay đã tăng lên khoảng 2.400ha (toàn tỉnh Lâm Đồng có 4.500ha nhà kính). Xây dựng nhà kính góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng không tính toán khu vực đó có phù hợp hay không đã dẫn đến hệ quả là nước bị chiếm không gian thẩm thấu xuống bề mặt đất, dồn vào một khu vực, gây ngập là điều không tránh khỏi.
Từ năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng hệ thống quy chuẩn về việc xây dựng nhà kính để đảm bảo khả năng thoát nước nhanh khi trời mưa lớn… Tuy nhiên, hiện nay quy định này vẫn chưa được áp dụng và địa phương cũng chưa có quy hoạch những khu vực được dựng nhà kính.
“Về lâu dài, người dân khi dựng nhà kính cần thực hiện theo đúng quy định, đồng bộ về độ dốc, hệ thống thoát nước. Cụ thể, dựng 1ha nhà kính thì phải tính lượng nước đó sẽ thoát đi đâu. Rồi cần xác định được khu nào nên xây dựng nhà kính, khu vực nào đủ sức tiêu thoát nước mưa cho phần diện tích tại chỗ hay từ thượng nguồn. Từ đó sẽ giảm áp lực nước đổ dồn về gây ngập cho khu trung tâm”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Mai Văn Huỳnh, trong mấy năm nay, Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh… gây áp lực lên hệ thống hạ tầng về thoát nước vốn đã quá cũ kỹ. Ngoài ra, các khu vực này trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa thoát nước nhưng nay đã bị san lấp, tôn nền. Hệ thống hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác, đất, cát từ các công trình xây dựng.
Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, thế nhưng tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là tình trạng xây dựng lấn chiếm sông, suối thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng việc thoát nước từ các đồi dốc đổ ra biển, gây ngập lụt tại các khu dân cư sinh sống ven sông, ven suối do thoát nước không kịp. “Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt trong xử lý người dân tự tiện lấn chiếm sông, suối để xây dựng nhà ở, song việc xử lý cũng chưa thật sự triệt để, từ đó góp phần làm cản trở dòng chảy”, ông Mai Văn Huỳnh nhìn nhận.
UBND huyện Phú Quốc cho biết, tới đây sẽ tập trung xử lý các khu vực sông, suối bị lấn chiếm; trong đó có các điểm nóng như rạch Ông Trì, rạch Somaco… Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang và các sở ngành chức năng cho khảo sát quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước… trên toàn đảo Phú Quốc. Nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông phù hợp với tốc độ phát triển của huyện Phú Quốc hiện nay; xây dựng kè chống lấn chiếm ở rạch Ông Trì, rạch Somaco, sông Dương Đông… Bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư hồ điều tiết nước cho khu vực thị trấn Dương Đông. Tăng cường vận động người dân nâng cao ý thức về vấn đề thoát nước đô thị; không vứt rác và xây dựng lấn chiếm sông, suối trên đảo Phú Quốc… |
Theo HUỲNH LỢI – ĐOÀN KIÊN/Báo Sài Gòn giải phóng
Ý kiến bạn đọc
(0)