Phát triển mạnh các khu đô thị, khu công nghiệp ven biển
Các khu đô thị biển đang phát triển nhanh chóng
Hệ thống các đô thị ven biển và trên đảo nước ta tập trung phần lớn các đô thị, điểm cư dân nông thôn với 47 đô thị các loại trong tổng số 750 đô thị cả nước.
Tuy nhiên, tài nguyên để phát triển đô thị như đất đai, cảnh quan, sinh thái ở một số khu vực trọng điểm phát triển đô thị và công nghiệp ven biển đang bị khai thác quá mức hoặc chưa đảm bảo yêu cầu phát triển công nghiệp bền vững đã khai thác tối đa quỹ đất xây dựng hiện có, san lấp vùng ngập nước để tăng quỹ đất đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp.
Sau Nghị quyết 09-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Quyết định số 1353/QĐ-TTg về phê duyệt “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”, theo đó đã xác định có 15 khu kinh tế ven biển gồm: Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây – Lăng Cô, Phú Quốc – Nam An Thới, Vũng Áng, Vân Phong, Nghi Sơn, Vân Đồn, Đông Nam Nghệ An, Đình Vũ – Cát Hải, Nam Phú Yên, Hòn La, Định An và Năm Căn.
Đối với khu kinh tế biển, sau khi ban hành Nghị quyết 1353/QĐ-TTg ngày 23/09/2009, đến năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung thêm 3 KKT và Quy hoạch gồm:KKT Đông Nam Quảng Trị , KKT ven biển Thái Bình, KKT Ninh Cơ.
Tuy nhiên, thực tế, hiện nay cả nước có 15 KKT được thành lập với tổng diện tích 662.249 ha, trong đó chỉ có khoảng 10% diện tích đất phục vụ trực tiếp cho sản xuất tạo ra giá trị sản xuất cho KKT, diện tích đất hành chính, công cộng phục vụ dân sinh và đất mặt nước, đồi núi chiếm phần lớn diện tích chủ yếu trong KKT.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1231/TTg-KTTH ngày 17/8/2012 về rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2015. Trên cơ sở đó đã quyết định đầu tư ưu tiên đến năm 2020 bằng nguồn vốn chính phủ cho 5 nhóm khu kinh tế ven biển: Đình Vũ – Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai – Dung Quất và Phú Quốc.
Đối với khu công nghiệp ven biển, trong 28 tỉnh thành phố ven biển đến năm 2010 đã có 104 KCN với tổng diện tích trên 29 nghìn ha trong đó diện tích có thể cho thuê đến 19 nghìn ha. Doanh thu từ các khu công nghiệp ven biển đạt 7.265 triệu USD và 15,6 nghìn tỷ đồng, trị giá xuất khẩu 5.745 triệu USD, nộp vào ngân sách nhà nước 2.433 triệu USD và 274 tỷ đồng.
Nhìn chung, quá trình phát triển và xây dựng KCN ở các tỉnh ven biển còn chậm được triển khai, tỷ lệ đất lấp còn thấp. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 về chấn chỉnh công tác quy hoach, quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Về phát triển các đô thị ven biển, phát huy lợi thế về tài nguyên và vị thế của khu vực biển đảo, nhiều đô thị trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng, cả nước và khu vực.
Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt 30% tương đương bình quân toàn quốc. Số lượng đô thị ven biển, đảo của 28 tỉnh thành phố tăng từ 47 đô thị năm 2007 lên 65 đô thị năm 2011. Trong đó vùng ven biển Bắc bộ là 17 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 2 loại III, 1 loại IV và 12 đô thị loại V.
Bên cạnh đó, Bắc Trung Bộ cũng có 12 đô thị, Đông Nam Bộ có 12 đô thị. Nếu xét theo vị trí có 32 đô thị sát biển, 3 đô thị ven biển ngập mặn, 5 đô thị gần vịnh lớn, 13 đô thị hải đảo, 12 đô thị cửa sông.
Theo HOÀNG THANH/infonet.vn
Bạn có thể xem bài viết gốc tại đây
Ý kiến bạn đọc
(0)