Thứ Ba, 06/08/2019 | 16:08 GTM+7

Phân lô, rao bán trái phép dự án trồng rừng

Bằng những lời quảng cáo có cánh nhằm thu hút khách hàng góp vốn đầu tư thuê đất rừng để làm dự án du lịch, nghỉ dưỡng, một đơn vị tại TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn khách lên vùng rừng thuộc xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) để giới thiệu sản phẩm, rao bán từng lô đất trong dự án trồng rừng.

Mua đất… tặng đất

Trong vai nhà đầu tư mua đất để làm trang trại kết hợp nghỉ dưỡng, chúng tôi đăng ký tham quan thực tế dự án “Trang trại nghỉ dưỡng bungalow Lâm Đồng Farmstay” tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Một người đàn ông tên Phạm Thanh Hổ, nhận là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh địa ốc Winland (trụ sở tại quận 2, TPHCM) giới thiệu: “Chỉ cần bỏ ra số tiền 370 triệu đồng, anh chị sẽ được sở hữu mảnh đất rộng 5.050m2, trong đó sẽ có 5.000m2 đất trang trại và được tặng 50m2 đất sân vườn. Ngoài ra, nếu ai muốn đặt bungalow tại resort 3 sao thì sẽ được tặng thêm 24m2 đất…”.

Cổng vào dự án lúc nào cũng đóng kín, chỉ mở khi được liên hệ từ trước. Ảnh: Đ.K

Từ trung tâm TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), chúng tôi đi theo tỉnh lộ 725 nối vào thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Sau đó di chuyển thêm khoảng 20km, trong đó có nhiều đoạn đường rừng dẫn vào dự án “Trang trại nghỉ dưỡng bungalow Lâm Đồng Farmstay”.

Phía sau cánh cổng cao vút, bờ rào khép kín chỉ được mở khoá khi có người liên hệ trước. Tại đây, chúng tôi được ông Lê Văn Hinh (lên trông vườn cho con trai đã mua đất dự án) dẫn đường, ông Hinh lần lượt giới thiệu khu trang trại, khu rừng sinh thái, khu chăn nuôi và cả khu dự kiến sẽ xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng nhưng hiện tại tất cả đều là những khoảnh rừng và đồi trống.

Dừng chân tại dãy nhà bungalow, ông Hinh lần lượt giới thiệu căn bungalow làm văn phòng và 3 căn đã dựng mẫu để khách hàng tiện hình dung viễn cảnh sau khi bỏ tiền đầu tư.

“Khách hàng có thể bỏ thêm khoảng 270 – 300 triệu đồng tuỳ chọn bungalow loại 20m2hoặc 24m2 có đầy đủ nội thất như giường ngủ, bàn làm việc, nhà tắm, tivi, tủ lạnh... Sau này nếu không sử dụng thì công ty sẽ kinh doanh giúp”, ông Hinh giới thiệu.

Chúng tôi thắc mắc số máy móc, xe múc nằm ngổn ngang trong khuôn viên, ông Hinh nói dự án đang trong giai đoạn kêu gọi hợp tác đầu tư, thời gian tới sẽ mở rộng nhiều con đường để dẫn lên từng khu vực của trang trại.

Dãy bungalow mọc giữa dự án đất trồng rừng. Ảnh: Đ.K

Sau khi ngỏ ý muốn được nắm rõ hơn về trang trại kết hợp nghỉ dưỡng tương lai sẽ như thế nào, chúng tôi được người đàn ông trung niên dẫn qua ngọn đồi bên cạnh, tại đây những khoảnh đất được chia đều khoảng 5.000m2 có dựng bờ rào, tên trang trại.

“Đây là những khoảnh đã có chủ, người ta nhờ chúng tôi trồng cây ăn trái và một số loại cây khác để sau này sử dụng”, ông Hinh nói.

Trước khi rời khỏi trang trại, ông Hinh còn cho biết thêm, hàng tuần có cả trăm người đi theo đoàn lên tham quan ngồi kín sân bê tông, trong số 138 lô rao bán hiện dự án chỉ còn 30% số lô, nếu không quyết định mua nhanh sẽ không còn đất.

Rủi ro cho nhà đầu tư

Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi được biết “Trang trại nghỉ dưỡng bungalow Lâm Đồng Farmstay” thực chất là dự án đầu tư “Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng thử nghiệm cây cao su, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi gia súc” được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 8-5-2008 cho Công ty TNHH Đại Hải, thời gian thuê 50 năm. Quy mô dự án là 282ha, trong đó quản lý bảo vệ rừng (trên diện tích đất có rừng không được phép cải tạo để trồng lại rừng) là 56,73ha; trồng rừng keo lai (trên diện tích đất không có rừng, đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt được phép cải tạo để trồng lại rừng) 170,96ha; trồng thử nghiệm cao su (trên diện tích không có rừng) 2,45ha; sản xuất nông nghiệp kết hợp 41,37ha…

Tại trang trại luôn có người ở để giới thiệu, đưa khách đi tham quan. Ảnh: Đ.K

Dù là dự án quản lý bảo vệ rừng, sản xuất nông nghiệp đơn thuần nhưng phía nhà đầu tư liên tục quảng cáo “Công ty phân khu 5.000m2/trang trại và 1-2 bungalow để chuyển quyền sử dụng khai thác cho khách có nhu cầu làm trang trại nghỉ dưỡng. Hình thức sẽ là ký hợp đồng hợp tác đầu tư giao đất 40 năm. Hết 40 năm lại gia hạn 50 năm và tái tiếp tục theo dự án”.

Ngoài ra, phía đơn vị này còn thông tin đến khách hàng đang xin phân khu riêng và tách sổ riêng: khu du lịch sinh thái, khu villa thương mại, khu trang trại cũng sẽ xin tách sổ 5.000m2. Khi đó sẽ chuyển nhượng sang tên cho khách.

Để tăng tính thuyết phục, trên trang website chính thức hay trang mạng xã hội Công ty Đại Hải còn thường xuyên sử dụng hình ảnh khu nghỉ dưỡng, khu bungalow ở nhiều địa phương khác để tiếp thị, quảng cáo thu hút khách hàng.

Bên trong ngôi nhà mẫu với đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Đ.K

Về cách thức thanh toán, phía Công ty Đại Hải đưa ra mức thanh toán làm 4 lần: đợt 1 thanh toán 70% giá trị và ký hợp đồng hợp tác đầu tư; đợt 2 sau đó 1 tháng, phía nhà đầu tư sẽ thanh toán tiếp 15% giá trị hợp đồng; đợt 3 thanh toán 10% giá trị hợp đồng; còn 5% sẽ thanh toán đợt cuối sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng hợp tác.

Ngoài ra, nếu nhà đầu tư thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng sẽ được chiết khấu 5%, chiết khấu 3% nếu mua từ 2 đến 4 khu trang trại…

Các lô đất được đánh dấu, định vị để khách hàng tiện theo dõi. Ảnh chụp lại từ quảng cáo dự án

Trong khi đó, ngay sau khi nắm bắt được thông tin về dự án của Công ty Đại Hải rao bán, quảng cáo và tổ chức các đoàn tham quan lên dự án, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Địa phương đã yêu cầu chủ dự án dừng mọi hành vi quảng cáo không đúng sự thật, đồng thời xử lý, buộc khôi phục nguyên trạng ban đầu tại những vị trí đơn vị đã tiến hành san gạt không đúng”.

Một "trang trại" bên trong dự án đã có chủ. Ảnh: Đ.K

Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Đại Hải chỉ được thực hiện quản lý bảo vệ rừng trên diện tích đất có rừng; trồng rừng trên diện tích đất trống; trồng cỏ ở vùng đất trống và chăn nuôi bò. Ngoài nội dung đó, chủ đầu tư không được làm bất cứ mục tiêu nào khác trong giấy chứng nhận đầu tư.

Kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư, Công ty chưa được thay đổi mục đích thực hiện dự án. Đối với 1,72ha đất được xây dựng thuộc dự án, đơn vị chủ đầu tư chỉ được phép xây dựng văn phòng, nhà ở cho công nhân, khi xây dựng cần có giấy phép của Sở Xây dựng. Ngoài ra công ty không được phép xây biệt thự nghỉ dưỡng hay các công trình nằm ngoài danh mục được cấp phép.

Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm cũng yêu cầu chủ dự án dừng mọi hành vi không đúng mục tiêu của dự án.

“Trường hợp người dân hợp tác đầu tư, hay thuê 40 năm còn lại của hợp đồng thì cũng sẽ nắm chắc 100% rủi ro vì nhà nước quản lý theo dự án tổng thể, không có chuyện tách sổ, phân lô bên trong dự án như những lời quảng cáo. Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án để tránh rủi ro về sau”, ông Nguyễn Văn Cường khuyến cáo.

Theo ĐOÀN KIÊN/sggp.org.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)