Thứ Hai, 06/05/2019 | 17:05 GTM+7

Những kiệt tác thông minh của chủ nhân “Nobel kiến trúc” 2019

Nhà thiết kế bậc thầy người Nhật Bản Arata Isozaki mới đây đã xuất sắc nhận Giải thưởng Pritzker – vốn được xem là Nobel của ngành kiến trúc.

Ở tuổi 87, kiến trúc sư Arata Isozaki đã để lại dấu ấn khó phai tại nhiều TP trên khắp thế giới, từ tòa nhà chọc trời cao hơn 200m ở Milan, hay một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Los Angeles, cho đến khu thể thao Olympic ở Barcelona… Những ‘đứa con tinh thần’ đó giờ đây đã mang lại cho Isozaki vinh dự cao nhất trong lĩnh vực của mình – giải thưởng kiến trúc Pritzker 2019 – vào hôm 5/3 khi được ban giám khảo đánh giá là một phong cách ‘luôn mới mẻ’ và đặc biệt là đủ mọi hình dạng, chất liệu nhằm đáp ứng mọi hạn chế của địa hình, thời tiết.

Phòng hòa nhạc bơm hơi của ông Isozaki trong đợt đại nhạc hội Ark Nova lưu diễn tại Nhật Bản năm 2013. Cấu trúc này đặc biệt khi phù hợp với cả những khu vực từng trải qua thảm họa kép động đất – sóng thần năm 2011 khiến 15.000 người bỏ mạng.

Nội thất bên trong một địa điểm hòa nhạc có thể xì hơi để di chuyển một cách linh động.

Bảo tàng nghệ thuật thành phố Kitakyushu ở Nhật Bản là một trong những dự án chuyên nghiệp đầu tiên của Isozaki. Nằm trên đỉnh một ngọn đồi, bảo tàng mở cửa cho công chúng tham quan vào năm 1974, với các cột ngang ở đỉnh gợi liên tưởng đến một cặp ống nhòm khổng lồ.

Tháp nghệ thuật Mito được thiết kế dạng xoắn ốc. Tòa tháp mở cửa vào năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm tuổi TP Mito của Nhật Bản. Tòa nhà được chia thành 3 phần: phòng hòa nhạc, nhà hát và phòng trưng bày nghệ thuật đương đại.

Trung tâm văn hóa Thâm Quyến ở Trung Quốc gây ấn tượng bởi các kim tự tháp bằng thủy tinh, bao gồm một thư viện và phòng hòa nhạc.

Tòa nhà văn phòng D38 ở Barcelona được hoàn thành vào năm 2012 với các tấm ốp màu trắng và xanh lá cây giúp giảm độ chói. Đặc biệt hơn khi các tầng trong tòa nhà của Isozaki có hình dạng ‘C’ hoặc ‘L’.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia Qatar được lấy cảm hứng từ hình ảnh cây đa Sidrat al-Muntaha – biểu tượng linh thiêng của Đạo Hồi – thông qua các cột giống như nhánh cây trên mặt tiền của tòa nhà. Bên trong tòa nhà là một tác phẩm điêu khắc nhện khổng lồ mang ý nghĩa tôn vinh những giai đoạn đầu đời người.

Bảo tàng khoa học Domus ở Galicia, Tây Ban Nha, với một bức tường đá phiến khổng lồ có hình dạng như cánh buồm. Isozaki đã thiết kế bảo tàng cùng với kiến trúc sư người bản địa César Portela, dưới tên ban đầu là Casa del Hombre – Ngôi nhà của người đàn ông. Isosaki gần đây đã nói với New York Times rằng tòa tháp là một trong những thiết kế yêu thích của ông.

Công trình nổi tiếng nhất của kiến trúc sư người Nhật tại xứ Cờ hoa là Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Los Angeles, mở cửa năm 1983. Isozaki nói với New York Times rằng ông hiểu rằng Los Angeles muốn xây dựng một cái gì đó cạnh tranh với Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMa) tại TP New York. Trong khi các phòng tối của MoMa phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại của LAs có ánh sáng tự nhiên từ giếng trời bằng kính.

Nguồn: kientrucvietnam.org.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)