Những khác biệt giữa nhà đầu tư bất động sản Hà Nội và Sài Gòn
Trong ba năm gần đây, gắn liền với những đợt sốt đất trên cả nước, sự khác biệt giữa nhà đầu tư TP.HCM và nhà đầu tư Hà Nội cũng được bộc lộ khá rõ.
Thị trường đất động sản phía Nam được đánh giá thu hút nhiều nhà đầu tư miền Bắc vào tham gia - Ảnh: Hải Kim
Không chỉ khác nhau về giọng nói, thưởng thức ẩm thực mà cách đầu tư bất động sản giữa người TP.HCM và người Hà Nội cũng có nhiều điểm khác nhau trong cách đầu tư bất động sản.
Những điểm khác biệt dưới đây giữa nhà đầu tư hai miền đã được công ty đầu tư và phát triển bất động sản TNR chia sẻ với nhà đầu tư Hàn Quốc trong một hội thảo gần đây.
Nhà đầu tư Hà Nội thích tích lũy tài sản nhưng cũng sẵn sàng lướt sóng. Trong 3 năm trở lại đây, dự án có quy mô lớn hoặc sản phẩm hoành tráng, thuộc hàng hiếm là mục tiêu ưa thích của đa phần nhà đầu tư Hà Nội.
Trong nhiều chu kỳ tăng trưởng của thị trường, hơn 60% nhà đầu tư Hà Nội có khả năng tậu nhà, đất, căn hộ chung cư, khách sạn, mua từng phần hoặc toàn phần cao ốc văn phòng... có giá trị rất cao với mục tiêu tích lũy tài sản, giá trị này có thể lên đến 7 hơn 10 tỉ đồng căn hộ hoặc nhà đất.
Tuy nhiên, họ cũng nhanh chóng bán đi khi có cơ hội chốt lời hoặc cắt lỗ và ít ưu tiên mục tiêu giữ tài sản để cho thuê. Riêng thị trường phía nam, nhà đầu tư TP.HCM lại ưu tiên bất động sản cho tiêu dùng, cho thuê, hơn 80% cho biết dùng vào mục đích này.
Hơn 80% nhà đầu tư địa ốc Sài Gòn ưa chuộng bất động sản có khả năng khai thác tiêu dùng (cho thuê). Họ có gu đầu tư nhắm đến 2 mục tiêu song song: mang lại dòng tiền ổn định hằng tháng và tích lũy tài sản.
Sự khác biệt đối với khu vực bất động sản xa. Nhà đầu tư Hà Nội rất quan tâm, những khu vực mới phát triển hay thậm chí bất chấp địa lý xa xôi như thế nào. Họ có thể dùng tiền mua bất động sản những khu đô thị vùng ven như Bắc Giang, Hà Giang.. trong khi nhà đầu tư bất động sản phía Nam lại chỉ gần như quan tâm những bất động sản ở vị trí lõi trung tâm.
Nhà đầu tư Hà Nội được đánh giá ưa chinh phạt những địa bàn mới, bất chấp khoảng cách lớn về địa lý, để săn tìm bất động sản tiềm năng. Họ thường xuyên xuống tiền mua bất động sản ngoại tỉnh. Làn sóng Nam tiến của nhà đầu tư phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội đã diễn ra trong hơn một thập kỷ qua tại nhiều thị trường: Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai và các thành phố biển lớn của Việt Nam như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng
Trong khi đó, nhà đầu tư bất động sản tại TP HCM đa phần hoạt động trong phạm vi hẹp quanh Sài Gòn hoặc địa bàn lân cận phía Nam. Họ chuộng săn tìm cơ hội trên "sân nhà" hơn là đánh trận trên "sân khách". Có rất ít nhà đầu tư bất động sản TP HCM Bắc tiến hoặc tiến ra các tỉnh miền Trung.
Nhà đầu tư TP.HCM không mặn mà bất động sản có giá quá cao. Nhà đầu tư Sài Gòn có gu mua sắm bất động sản rộng hơn. Họ tìm kiếm gần như mọi phân khúc: bình dân, trung cấp hoặc cao cấp và cả luxury (hạng sang). Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nằm ở chỗ họ chỉ xuống tiền cho món hàng có mức giá hợp lý. Nhà đầu tư Sài Gòn cũng mặc cả (thương lượng giá) khá nhiều.
Nhà đầu tư Hà Nội thường chuẩn bị dòng vốn đầu tư lớn. Dù GDP bình quân tại Hà Nội thấp hơn Sài Gòn, các nhà đầu tư đến từ thủ đô thường dự phòng dòng tiền lớn hơn khi đầu tư địa ốc. Họ có thể chuẩn bị được dòng vốn lên đến hàng chục tỷ đồng cho mục tiêu săn tìm tài sản. Trong 2 thập kỷ qua, những nhà đầu tư cá nhân đến từ phía Bắc, trong đó có Hà Nội luôn được các công ty bất động sản trên cả nước săn đón để bán hàng nhờ đặc điểm có vốn mạnh dẫn đầu thị trường.
Sẵn sàng vay tỷ lệ cao khi giá trị tài sản vượt ngân sách. Khi bất động sản tiềm năng lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư Hà Nội, dù giá trị tài sản vượt ngân sách dự kiến 20-30% trở lên, đa phần họ vẫn không từ bỏ mục tiêu. Các nhà đầu tư phía Bắc, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ thủ đô, thường không quá so đo, chần chừ khi đưa ra quyết định vay vốn để đầu tư bất động sản. Ngưỡng chịu đựng khi dùng đòn bẩy tài chính của nhóm này luôn dẫn đầu thị trường.
Đầu tư an toàn. Đa số nhà đầu tư phía Nam không có thói quen mạo hiểm. Vì có dòng vốn vừa và nhỏ nên xu hướng đầu tư vượt ngân sách thường chiếm tỷ lệ khá thấp. Họ không vung tay quá trán mà bảo toàn mục tiêu, chấp nhận lợi nhuận ổn định, vừa phải.
Theo các công ty tư vấn, mỗi thị trường đều có một đặc thù riêng, hiểu rõ xu hướng đầu tư cũng như khẩu vị sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài định hướng được khoản đầu tư của mình vào VN.
Theo HẢI KIM/Báo Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc
(0)