Những điều không nên bỏ qua khi mua bất động sản
Trước khi “xuống tiền” mua một bất động sản nào đó, người mua cần phải tỉnh táo để đưa ra những nhận định chính xác, tránh cảnh “tiền mất, tật mang” chỉ vì chưa nắm rõ các vấn đề cơ bản.
Ảnh minh họa
Với bất động sản trong dự án
Theo Khoản 1 Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định rõ về bất động sản hình thành trong tương lai cần những điều kiện như sau: “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Họ tiến hành huy động vốn khi chưa hoàn thành xong các điều kiện cơ bản. Để thu tiền từ người mua, họ đã “lách luật” thông qua hình thức “hợp đồng góp vốn”.
Hợp đồng góp vốn được ký kết giữa chủ đầu tư với người mua. Do vậy, khi có chuyện xảy ra, người mua sẽ gánh chịu hậu quả.
Đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật mà chủ đầu tư vẫn bất chấp tung sản phẩm ra thị trường thì chứng tỏ doanh nghiệp đó thiếu năng lực tài chính. Với những dự án như vậy, rất khó để chủ đầu tư có thể đảm bảo tiến độ theo đúng những gì đã ký kết ban đầu. Không loại trừ khả năng có thể xảy ra những vấn đề phát sinh khác như thay đổi thiết kế hoặc cắt xén tiện ích,…
Do vậy, trước khi tiến hành ký hợp đồng, người mua cần phải tìm hiểu kỹ những vấn đề cơ bản sau:
- Phương thức thanh toán của dự án đó như thế nào?
- Thời hạn bàn giao ra sao?
- Khi vi phạm hợp đồng ai sẽ phải chịu khoản phí phạt?
- Trách nhiệm của chủ đầu tư như thế nào khi không bàn giao đúng tiến độ?
- Nghĩa vụ của bên mua sẽ như thế nào?
Trên thực tế có tình trạng nhiều dự án chậm bàn giao, hoặc thi công một phần rồi để đó vì chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy và tổn thất cho người mua.
Với bất động sản riêng lẻ
Trước tiên, người mua phải nắm được tình hình thị trường chung của khu vực để đưa ra quyết định mua đúng đắn. Không nên tham gia vào quá nhiều thị trường khi chưa hiểu rõ cụ thể nơi đó như thế nào.
Kế đến, người mua phải nghiên cứu, tìm kiếm những phân khúc cụ thể, phù hợp với thị trường đó.
Điều không nên bỏ qua sau đó là xây dựng các mối quan hệ với người dân địa phương hay người dân khu vực nơi chuẩn bị mua. Việc này sẽ giúp xác định được giá của bất động sản trong khu vực, tránh sai lầm sau khi mua.
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là kiểm tra khu đất đó có thuộc diện quy hoạch hoặc đang có tranh chấp hay không. Người mua có thể đến trực tiếp các cơ quan chức năng để hỏi như: UBND cấp xã, phòng tài nguyên môi trường, văn phòng đăng kí đất đai,…
Theo TRƯỜNG AN/cafeland.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)