Thứ Hai, 12/08/2019 | 23:08 GTM+7

Những điểm đến hấp dẫn ở An Giang

An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL vừa có đồng bằng, vừa có núi, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng; phát huy thế mạnh loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa. Lượng khách đến An Giang tăng đáng kể, 6 tháng đầu năm 2019, An Giang đã đón hơn 7 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 7,6% so cùng kỳ, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ năm 2018.

Rừng tràm Trà Sư

Nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách TP. Long Xuyên 90km, với vẻ đẹp của thiên nhiên và sự thanh bình của miền sông nước, rừng tràm Trà Sư là một điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách mỗi khi đến với An Giang. Xuất phát từ Tp. HCM bằng xe máy, chạy theo quốc lộ 1A đi qua cầu Mỹ Thuận, tiếp đó rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng đi Sa Đéc, di chuyển qua phà Vàm Cống, là đến rừng tràm Trà Sư. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng không gian mênh mông của sông nước, ngồi xuồng len lỏi trong rừng tràm xanh mướt nghe tiếng chim hót gọi bầy và thưởng thức món ăn dân dã, đậm đà phong vị miền Tây Nam bộ.

Ngồi trên xuồng, ai cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp của khu rừng với bốn bề được bao phủ bởi màu xanh mơn mởn của những lớp bèo che kín mặt nước và của những hàng cây tràm, tạo nên một bức tranh miền Tây tươi mát, đẹp ngỡ ngàng. Với diện tích gần 850ha, Trà Sư là nơi sinh sống của hơn 70 loài chim tiêu biểu của vùng ngập nước.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây được xem là một di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng của tỉnh và của khu vực, mỗi năm Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút khoảng gần 2 triệu lượt khách đến tham quan và chiêm bái.

Khách hành hương, du lịch đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam không những đến từ các tỉnh thành lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung... tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng. Với người dân miền Tây Nam bộ, Bà Chúa Xứ núi Sam có công đức giúp bà con sống an bình. Vì thế hàng trăm năm nay người An Giang đã lập miếu Bà Chúa Xứ, thờ tự Bà như thần. Mỗi năm vào ngày vía bà (từ tháng 4 âm lịch kéo dài cho đến đầu tháng 6) có rất đông khách hành hương từ các nơi về Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam cúng bái, cầu phúc...

Núi Cấm An Giang

Núi Cấm (núi Ông Cấm) là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn được nhiều người mộ đạo coi là ngọn núi thiêng với nhiều tên gọi khác nhau. Từ xa xưa núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa).

Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình. Khu du lịch núi Cấm là một trong những Khu du lịch trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Núi Cấm là biểu tượng của "Thất Sơn huyền bí", là trung tâm văn hóa tâm linh không những của An Giang mà còn của cả ĐBSCL.

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, suối Thanh Long, hồ Thanh Long, hồ Thủy Liêm, nhiều hang động, nhiều vồ, nhiều am cốc, điện thờ, chùa miễu, núi Cấm còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm... và hệ thống cáp treo thuận tiện cho du khách thưởng ngoạn toàn cảnh từ trên cao. Núi Cấm và vùng Bảy Núi còn có nhiều truyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn lôi cuốn nhiều người.

An Giang định hướng xây dựng du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có uy tín và sức cạnh tranh cao trong khu vực ĐBSCL và cả nước đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo HỒNG ÂN - NGUYỄN TUẤN/baodulich.net.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)