Nhiều dự án du lịch vướng khâu đền bù và cát đen
Trong 10 năm (giai đoạn 2007-2017), trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 143 dự án du lịch (không thuộc vốn ngân sách nhà nước) được chấp thuận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký là 45.326 tỷ đồng; diện tích đất đăng ký là 5.168 ha.
Trong số 143 dự án được chấp thuận đầu tư có có 38 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 27%; có 37 dự án đang triển khai xây dựng, chiếm tỷ lệ 26% và 68 dự án chưa triển khai xây dựng, chiếm 47%.
Như vậy có gần một nửa số dự án du lịch được chấp thuận đầu tư trong giai đoàn 2007-2017 vẫn đang “bất động”. Điểm lại các dự án này cho thấy, hầu hết đều vướng khâu đền bù và cát đen. Ví dụ ở Phan Thiết có 21/61dự án chưa triển khai thì có 14 dự án vướng đền bù; trong đó có những dự án có số vốn đăng ký khá lớn như dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hải An 539 tỷ đồng; The Balé – Mũi Né 783 tỷ đồng; Trung tâm hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi Nhật Hoàng 259 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Oscar 280 tỷ đồng…
Địa bàn Hàm Thuận Nam có 11/29 dự án vướng đền bù; trong đó có những dự án lớn như: Khu du lịch Hòn Lan, với số vốn đăng ký là 298 tỷ đồng; Khu du lịch Spa Nirvara 194 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng tầm nhìn đại dương 135 tỷ đồng…
Địa bàn Hàm Tân có 11/16 dự án vướng đền bù; có những dự án lớn như Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 600 tỷ đồng; Khu du lịch biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Thiên lý II 495 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt 275 tỷ đồng…
Địa bàn La Gi có 8/11 dự án chưa triển khai do vướng đền bù; trong đó có những dự án lớn như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư DE LAGI 1.482 tỷ đồng: Khu du lịch Đạt Thành 200 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng LaGi Star Resort 200 tỷ đồng…
Khác với các địa phương trên vướng ở khâu đền bù, thì Bắc Bình các dự án lại chủ yếu vướng cát đen, với 5/9 dự án. Trong đó có những dự án lón như: Tổ hợp Thể thao Dịch vụ - Du lịch Hòa Thắng 950 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng và Biệt thự cao cấp Golden Sea 260 tỷ đồng; Khu du lịch Cát Đỏ 112 tỷ đồng…
Tình hình trên, cho thấy nguồn lực đất đai ở các địa phương ven biển đang bị lãng phí rất lớn. Thiết nghĩ các sở ngành liên quan và chính quyền các địa phương có nhiều dự án du lịch cần đốc thúc các chủ đầu tư tích cực triển khai dự án sớm đưa vào hoạt động kinh doanh. Cần chú ý đề ra biện pháp xử lý những vướng mắc, khó khăn, nhất là khâu đền bù giải tỏa nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Đối với vướng mắc khoáng sản ti tan, tỉnh cần tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ điểu chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, dự trự khoáng sản quốc gia tại tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai xây dựng mà không có lý do chính đáng, hoặc không tích cực thực hiện công tác đền bù.
Theo T.NAM/Báo Bình Thuận
Ý kiến bạn đọc
(0)