Nhiều băn khoăn về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Sáng 23/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. So với dự thảo đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, nhiều điều khoản của dự thảo Luật đã được chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật để làm rõ hơn về mặt chính sách, một số điều khoản bổ sung chính sách mới.
ĐB Nguyễn Thị Thủy phát biểu thảo luận
Xem xét quy định về thẩm quyền của tòa án đặc khu
Cho ý kiến về các cơ quan tư pháp, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nhìn nhận dự thảo Luật quy định tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu với các vụ án hình sự. Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử ở cấp tỉnh hiện nay sẽ chuyển xuống cho tòa án đặc khu giải quyết. Toà án đặc khu có quyền xử tội đến 15 năm tù, quy định như vậy là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính (người dân kiện chính quyền) thì dự luật lại quy định giữ như thẩm quyền của tòa án cấp huyện hiện nay, nghĩa là mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do tòa án cấp tỉnh giải quyết, tòa án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc này. Bà Thủy đề nghị xem xét quy định này ở nhiều khía cạnh.
Theo phân tích của ĐB, cùng với sự phát triển năng động của các đặc khu, dự báo các vụ án dân sự, vụ án hành chính như vụ án liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng của dự án sẽ gia tăng lớn... Từ năm từ 2015 đến nay, số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện bị khiếu kiện tới tòa tăng mạnh, như Phú Quốc tăng gấp gần 2 lần, trong khi đó dự luật chỉ đặt vấn đề tăng thẩm quyền về án dân sự, không tăng thẩm quyền với vụ án hành chính dẫn đến với vụ án dân sự, tòa án đặc khu có thể bắt giữ tàu bay quốc tế là loại việc rất phức tạp, trong khi lại không có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính với Chủ tịch UBND đồng cấp.
“Nếu lấy lý cho rằng việc giao tòa án đặc khu thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện với UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp sẽ ảnh hưởng đến vô tư khách quan thì sẽ không giải thích được việc luật hiện hành đang giao cho 63 tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện đối với quyết định của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lập luận này cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng là cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo tăng trưởng và thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy tư pháp”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nói.
Cũng theo ĐB, quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho người dân và nhà đầu tư. Cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh. Theo nguyên tắc tố tụng, nếu sơ thẩm bị kháng nghị kháng cáo thì vụ án phải do tòa án cấp cao giải quyết, trong khi cả nước chỉ có 3 tòa cấp cao ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, khi đó vất vả cho người dân, nhà đầu tư tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Các đặc khu được dự báo phát triển nóng thời gian tới, đòi hỏi người đứng đầu phải điều hành nhanh nhẹn, hiệu quả, nhưng bắt buộc phải tham gia đầy đủ phiên tòa thì có thể ảnh hưởng đến việc điều hành ở địa phương, nếu không tham gia phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến việc đối thoại, tranh tụng với người dân, làm tăng bức xúc của người dân, ĐB nhận định.
ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị giao cơ quan tư pháp đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Các cơ quan tư pháp với thẩm quyền được giao phù hợp chính là những đảm bảo cần thiết cho việc vận hành cơ chế đặc thù tại đặc khu, thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận công lý.
Làm rõ bài toán kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế đặc biệt nhằm phát triển đất nước, nhưng thực tế, nhiều dự án có chủ trương đúng nhưng thất bại, có nhiều tổn thất, thậm chí thảm hoạ, đó là do khâu tổ chức thực hiện. ĐB Nghĩa cho biết, ông tán thành với một số điều chỉnh của dự luật, nhất là về đất đai, nhà ở, chứ không tán thành về ưu đãi nhiều hơn tại đặc khu.
Việc lập các đặc khu không chỉ lập các đơn vị hành chính thông thường mà là dự án đầu tư công lớn, chúng ta dành ra nhiều đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư. Nhà nước đã đầu tư vào các khu vực này hàng trăm nghìn tỷ đồng cho hạ tầng đường sá, sân bay… Theo đề án, cần khoản đầu tư 1,5 triệu tỷ đồng vào tiếp 3 đặc khu này, trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ. Sự ưu đãi hào phóng từ thuê đất, mặt nước... cũng chính là khoản đầu tư cực lớn từ ngân sách. Toàn bộ bộ máy hành chính di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng trăm ngàn dân khu vực trên, đều phục vụ cho nhà đầu tư khu vực này, ĐB Nghĩa phân tích.
Đại biểu đặt câu hỏi: Trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa, tất cả khoản đầu tư này cho ai, đem lại lợi ích gì? Nhiều chuyên gia lưu ý đây là những vùng đất lớn, giá đất đã cao ngất ngưởng và tất cả đã có chủ. Cử tri cần câu trả lời: chúng ta hy sinh ưu đãi để được lợi ích gì, cho ai? Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được, mất gì về văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Câu trả lời tất yếu: chúng ta phải được nhiều, nhiều lần so với chi phí bỏ ra, 3 đặc khu phải giúp kinh tế phát triển xanh, sạch hơn, chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ vững chắc; thành phố văn minh, thịnh vượng.
Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, lãnh thổ của 3 đặc khu đều liên quan đến biển đảo với hàng chục ngàn km2 lãnh hải thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển. Từ Vân Đồn đến Hải Nam chỉ 200 hải lý, Vịnh Vân Phong rất gần với quần đảo Trường Sa, cần quy định rõ việc đầu tư có sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên nước. ĐB đề nghị bỏ điều khoản thời hạn giao đất 99 năm, bởi "không có vòng đời dự án đầu tư nào cần đến thời hạn 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất".
"Theo tôi, thời hạn này ngang với 3 – 4 thế hệ, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những nước nghèo nàn lạc hậu và hoang sơ mới cần đến", ĐB nói.
Băn khoăn về việc cho phép mở đến 3 casino mà không nêu mục đích của casino chỉ phục vụ cho việc cờ bạc của người nước ngoài, ĐB Nghĩa đặt câu hỏi "chúng ta có thể quản lý được những hệ lụy của loại hình này không?". Ông phân tích thực tế từ nước quy mô nhỏ, phát triển rất cao, luật pháp rất nghiêm như Singapore cũng chỉ mở một casino từ năm 2012, sau hàng chục năm cấm đoán, vậy mà hiện nay vẫn phát sinh nhiều hệ lụy xã hội. Trong khi ở ta, chưa có casino mà chúng ta đã chịu tổn thất nặng về cán bộ và về nền kinh tế vì loại hình kinh doanh này. Ông đề nghị chỉ cho mở 1 casino và phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Về lộ trình thành lập các đặc khu, ông đề nghị không triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, sau đó mới làm tiếp.
Theo VÂN THANH/thanhuytphcm.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)