Thứ Hai, 20/05/2019 | 17:05 GTM+7

Nhà xây làm lún nứt nhà hàng xóm, xử lý sao?

Thời gian gần đây, gia đình bà Đào Thị Nam Hà ở 348/1 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP HCM sống nơm nớp không yên vì hàng xóm xây nhà, làm lún nứt tường nhà bà. Nỗi lo càng tăng hơn khi gia đình đã nhiều lần phản ánh vụ việc với các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được xử lý rốt ráo.

Nhà bà Hà nứt nẻ từ khi hàng xóm xây nhà mới

Kêu chính quyền, vụ việc vẫn kéo dài

Ngồi nhìn những bức tường nứt nẻ, bà Hà cho hay, hơn ba tháng trước, hàng xóm đập nhà cũ, xây nhà mới. Cũng từ thời gian đó, nhà bà bắt đầu bị lún và nứt tường.

Nghe bà Hà phàn nàn, người hàng xóm đã cho đơn vị thi công tiến hành sửa chữa, dặm vá một số chỗ nứt nhưng không hiệu quả. Một số chỗ vẫn bị nứt, thấm nước mưa.

Bà Hà cho biết, không mong muốn gì hơn là phía hàng xóm có thiện chí khắc phục, tô trát lại các vết nứt lún sao cho đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phía hàng xóm làm không đến nơi đến chốn. Công trình thi công đến đâu thì nhà lại nứt đến đó.

Thấy tình trạng nguy hiểm, bà đã nhiều lần phản ánh với UBND phường Tăng Nhơn Phú B và thanh tra xây dựng địa bàn quận 9. Ngày 18/4, phường tiến hành hòa giải lần 1 giữa các bên nhưng các bên không thống nhất về việc bồi thường thiệt hại.

Nhà hàng xóm tiếp tục xây dựng và lại tiếp tục làm nứt tường nhà bà Hà. Bà Hà tiếp tục kêu cứu, yêu cầu bên hàng xóm ngừng thi công để khắc phục hậu quả. Ngày 9/5, cơ quan chức năng hòa giải lần hai cũng không thành. Đến nay nhà hàng xóm ngày càng mọc cao, tường nhà bà Hà càng thêm nhiều vết nứt…

“Sợ lắm, ăn ngủ không yên. Nói chuyện với hàng xóm thì họ không nghe, không chịu sửa. Kêu phường với thanh tra địa bàn xuống thì họ nói đã làm đúng qui trình qui định. Tại buổi hòa giải lần hai, đoàn làm việc cũng cho biết nhà hàng xóm xây đúng giấy phép nên không thể đình chỉ. Họ bảo nếu thấy thiệt hại, cứ kiện ra tòa. Càng để lâu, hậu quả lại càng nghiêm trọng. Chúng tôi lúng túng quá, không biết kêu ai”, bà Hà than thở.

PV đã liên hệ với cơ quan quản lý địa phương thì được biết, phường và thanh tra xây dựng địa bàn quận 9 đã nắm vụ việc, nhiều lần trao đổi với các bên, tiến hành hòa giải nhưng không thành.

Trong quá trình hòa giải, cũng có ý kiến cho rằng nếu không thống nhất được việc bồi thường, bên bị thiệt hại có quyền kiện ra tòa và yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thi công công trình...

Quy định đã rõ ràng

Luật sư Trần Như Lực (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, tình trạng hàng xóm xây nhà làm lún nứt nhà bên cạnh diễn ra khá phổ biến. Thậm chí có trường hợp hàng xóm đào móng xây nhà làm sập luôn nhà bên cạnh như sự cố xảy ra vào năm 2017 trên đường Tân Sơn Hòa, phường 2, quận Tân Bình.

Bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường theo Điều 605 Bộ luật Dân sự (về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra).

Luật sư Lực cũng nhìn nhận, quá trình đòi bồi thường là rất nhiêu khê, tốn nhiều thời gian, công sức. Người dân rất mong muốn cơ quan quản lý địa phương cần vào cuộc xử lý ngay để tránh phát sinh hậu quả đáng tiếc.

Thế nhưng, công tác quản lý hành chính địa phương hiện chưa đáp ứng yêu cầu, nên vụ việc vẫn thường kéo dài cho đến khi có xung đột căng thẳng.  

Trong khi đó, Luật sư Từ Tiến Đạt (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, hiện Luật Xây dựng đã có qui định xử lý việc thi công công trình mất an toàn.

Theo Điều 119 của Luật, trong quá trình thi công xây dựng, nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình ảnh hưởng đến công trình lân cận thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, chủ quản lý sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kịp thời yêu cầu dừng thi công, vận hành, khai thác sử dụng công trình và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình…

Cụ thể hơn, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP cho phép cơ quan có thẩm quyền xử phạt với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận; gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận... Đồng thời, buộc bên vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.

“Như vậy, về quản lý hành chính, luật cũng đã dự liệu các tình huống để cơ quan chức năng, các bên liên quan xử lý đối với các sự cố. Vấn đề còn lại là việc áp dụng ra sao trên thực tế”, Luật sư Đạt nói.

Nói về điều này, một thanh tra xây dựng địa bàn ở TP HCM cho hay, có nhiều nơi áp dụng rất nghiêm túc qui định này. Tuy nhiên, có nhiều nơi ít áp dụng do quan điểm xử lý khác nhau.

Nếu có sự kiên quyết của cơ quan chức năng, người dân không phải khổ sở, mất nhiều thời gian để tìm quyền lợi như trường hợp của bà Đào Thị Nam Hà và một số trường hợp khác từng xảy ra ở TP HCM.

Liên quan đến việc xây dựng nhà, một số chuyên gia xây dựng cho hay khi xây nhà cao tầng, cần tổ chức khảo sát địa chất công trình trước khi thi công với mục đích là thu thập tài liệu về các lớp đất, các đặc trưng kết cấu để làm cơ sở tính toán cấu tạo móng cho phù hợp và lựa chọn các biện pháp thi công.

Trong giai đoạn xây nhà, chủ nhà cần làm một số công tác đối với hàng xóm, dân cư trong khu vực. Cụ thể, nên sang nói chuyện, xin phép về việc khởi công sắp tới, nhờ tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình xây dựng.

Đồng thời cũng nên thẳng thắn đề nghị kiểm tra hiện trạng của các căn nhà trong khu vực xung quanh để khi xây dựng, nếu làm ảnh hưởng đến nhà họ (rạn nứt kết cấu, lún sụt nhà…) thì có cơ sở cụ thể để thương lượng bồi thường.

Theo GIANG NGUYỄN - ĐẠT TIẾN/Báo Pháp luật Việt Nam

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)