Thứ Hai, 24/06/2019 | 17:06 GTM+7

Người sáng lập Phạm Văn Tam đã thoái gần hết vốn tại Tập đoàn Asanzo?

Vốn điều lệ Asanzo được giữ nguyên từ khi thành lập đến nay. Tuy nhiên, hầu hết cổ đông sáng lập đều đã thoái vốn và chỉ còn giữ lại tỷ lệ sở hữu rất thấp tại Asanzo.

Theo Cổng thông tin Quốc gia đăng ký doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn Asanzo được thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đây là đơn vị kinh doanh chính của thương hiệu Asanzo.

Chủ đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Asanzo khi đó là ông Phạm Văn Tam, góp vốn 90 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ sở hữu 90%). 10% vốn còn lại chia đều cho 5 chủ đầu tư khác, gồm hai tổ chức CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo; ba cá nhân gồm bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình.

Ông Phạm Văn Tam - "Shark" Tam, người sáng lập thương hiệu Asanzo. (Ảnh: kenh14.vn)

Đáng chú ý đến tháng 7/2017, ông Phạm Văn Tam giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại Tập đoàn Asanzo từ 90% xuống còn 1%, tiếp sau đó các cổ đông tổ chức như CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo cũng lần lượt thoái hết vốn.

Thời điểm hiện tại, nhóm cổ đông sáng lập chỉ còn sở hữu 7% Tập đoàn Asanzo, trên vốn điều lệ của công ty vẫn giữ nguyên 100 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của người viết, trên thị trường còn nhiều doanh nghiệp mang tên Asanzo khác có liên quan đến nhóm ông Phạm Văn Tam và những người đồng sáng lập.

Công ty CP Đầu tư Asanzo vốn điều lệ 5,9 tỷ đồng do Tập đoàn Asanzo sở hữu 90% kinh doanh các loại đồ điện gia dụng, đèn...

Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo vốn điều lệ 2,9 tỷ đồng kinh doanh máy lọc nước, bình nóng lạnh...

Công ty CP Viễn thông Asanzo vốn điều lệ 5,9 tỷ đồng, Tập đoàn Asanzo sở hữu 90%, kinh doanh các loại đèn, đồ điện gia dụng...

Mới đây vào tháng 1/2019, Công ty CP Công nghệ cao Asanzo được thành lập với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đây là công ty do ông Phạm Văn Tam trực tiếp đứng tên.

Hôm 21/6, trước nghi vấn "Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam", ông Phạm Văn Tam cho biết sản phẩm Asanzo không phải "Made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam, Vietnamnet đưa tin.

Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức việc đó nên chỉ ghi "Xuất xứ Việt Nam" thay vì "Made in Việt Nam" trên sản phẩm của mình.

Cũng theo ông này, thời điểm nửa đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo vẫn còn láp ráp các mặt hàng điện gia dụng. Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại đây, Asanzo không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa. Asanzo giao nhóm ngành hàng này cho các công ty phụ trợ.

Chính vì vậy, kể từ thời điểm đó, trên thị trường xuất hiện 2 dòng sản phẩm khác nhau nhưng cùng modern và logo Asanzo. Nhánh thứ nhất bao gồm các thiết bị điện gia dụng được Asanzo lắp ráp trong nửa đầu năm 2018 trở về trước và gắn nhãn Việt Nam. Với nhánh thứ 2, những thiết bị này được các công ty phụ trợ của Asanzo nhập khẩu về Việt Nam và có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo ông Phạm Văn Tam, Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình, do vậy, Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước.

CEO của Asanzo cho rằng, công ty của ông có thế mạnh về mảng đồ điện tử nên đang tập trung vào việc sản xuất các mặt hàng này. Với việc nhượng quyền các sản phẩm đồ gia dụng dù đã ngừng sản xuất, mục đích của hành động này là muốn các cửa hàng và đại lý Asanzo đa dạng hơn về mặt hàng và từ đó có thêm thu nhập.

Asanzo đã từng có công văn gửi sang phía công an khẳng định công ty không bảo hộ thương hiệu của mình. Do vậy, trước vấn đề mà báo chí đặt ra liên quan đến nhãn mác thương hiệu, ông Tam cho rằng trong tập đoàn Asanzo có rất nhiều công ty con khác nhau, bộ phận nào làm sai thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm.


Nguồn: ndh.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)