Nghịch lý xuất khẩu tăng, giá cổ phiếu giảm
Ảnh minh họa.
Trái ngược với diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu, giá cổ phiếu của hàng loạt các DN niêm yết ngành gạo và ngành thủy sản lại không có sự tăng trưởng, thậm chí nhiều DN còn ghi nhận trì trệ và sụt giảm.
Trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả nước đạt 6,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu gạo đến hết tháng 2, các DN đã đạt được trên 520.000 tấn, tăng mạnh 56,5% về số lượng và tăng 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ vậy, giá gạo xuất khẩu hai tháng vừa qua cũng có sự bứt phá tốt. Chẳng hạn, gạo 5% tấm tăng 40 USD/tấn từ mức 390 USD/tấn (tháng 12/2017) lên mức 430 USD/tấn (giữa tháng 1/2018). Ở ngành hàng thủy sản, tình hình cũng diễn ra tương tự. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đến giữa tháng 2 đạt gần 944 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu, giá cổ phiếu của hàng loạt các DN niêm yết ngành gạo và ngành thủy sản lại không có sự tăng trưởng, thậm chí nhiều DN còn ghi nhận trì trệ và sụt giảm.
Ở ngành gạo, tính đến thời điểm hiện nay, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời liên tiếp sụt giảm trong 22 phiên giao dịch của tháng 1/2018. Mức mất giá được ghi nhận khoảng 7,3% (tương đương 3.300 đồng/cổ phiếu). Với diễn biến này, LTG mất đi tương ứng khoảng trên 960 tỷ đồng nếu tính từ mốc vốn hóa gần 3.700 tỷ đồng vào thời điểm niêm yết (cuối tháng 7/2017).
Tương tự, các cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang; cổ phiếu FDG của Docimexco… cũng không khá hơn. Trong 8 phiên liên tiếp của tháng 1/2018, cổ phiếu AGM chỉ ghi nhận quanh mốc giá 8.000 đồng/cổ phiếu và có tới 6 phiên không có thanh khoản. Trong khi đó, cổ phiếu FDG sụt giảm 400 đồng/cổ phiếu so với thời điểm tháng 8/2016 và suốt tháng đầu năm chỉ có hai phiên có nhà đầu tư giao dịch.
Trong diễn biến lớn hơn, việc IPO Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vào giữa tháng 3 này được cho là sẽ kích thích đầu tư vào cổ phiếu ngành gạo. Tuy nhiên, với những khoản thua lỗ hiện hữu cũng như việc Vinafood 2 chỉ thu hút được một nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện mua cổ phần cho thấy khả năng thu hút của cổ phiếu ngành gạo sẽ không mấy tươi sáng và sức bật của giá cổ phiếu Vinafood 2 dự báo sẽ khó có sự bứt phá so với mức giá khởi điểm dự kiến là 10.100 đồng.
Cổ phiếu ngành hàng thủy sản cũng bết bát không kém. Ngay tháng đầu năm 2018, hai mã cổ phiếu AGF và HVG của CTCP Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang và CTCP Hùng Vương đã buộc phải nhận “khoanh đỏ” trên sàn TP.HCM và phải đưa vào diện cảnh báo từ 26/1 và 31/1 do làm ăn thua lỗ.
Cụ thể, cổ phiếu AGF ghi nhận giảm sâu khi công ty này báo lỗ thêm 97 tỷ đồng ngay trong đầu quý I. Trong khi đó, giá cổ phiếu HVG giảm 7,7% chỉ trong vài phiên cuối tháng 1/2018 và mặc dù đại gia thủy sản này kỳ vọng doanh thu toàn tập đoàn sẽ đạt 10.000 tỷ đồng. Theo đó, nâng mức lãi trước thuế của năm nay lên 800 tỷ đồng nhưng có vẻ cam kết này vẫn khó cứu vãn đà giảm của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Không chỉ AGF và HVG, hầu hết các mã cổ phiếu của các công ty thủy sản niêm yết khác như: ABT của Thủy sản Bến Tre, KHS của Thuỷ sản Kiên Hùng, NGC của Thủy sản Ngô Quyền… cũng đều đang đi ngang hoặc có xu hướng giảm, mặc dù năm 2017 ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan.
Tìm hiểu về sự “vô cảm” của giá cổ phiếu với thành tích xuất khẩu nông - thủy sản các tháng đầu năm của những công ty này được giới phân tích cho rằng: mặc dù kim ngạch xuất khẩu nửa đầu quý I/2018 tăng khá mạnh nhưng chủ yếu là do năm 2017 là năm Nhuận Âm lịch, tháng diễn ra Tết Nguyên đán 2018 trễ hơn so với các năm trước. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu phục vụ thị trường lễ tết tăng mạnh trong tháng 1, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc và các nước châu Á.
Bên cạnh đó, những rủi ro, tồn tại của khối DN niêm yết ngành nông - thủy sản thực tế vẫn chưa gợi mở hướng đầu tư hiệu quả. Ở khối thủy sản, tỷ lệ nợ vay quá lớn cùng với những rào cản thương mại từ các thị trường truyền thống như Mỹ và EU vẫn đang khiến các DN gặp khó khăn và bị động. Trong khi đó, ở lĩnh vực lúa gạo, mặc dù đầu năm 2018, Việt Nam trúng thầu xuất khẩu thêm 140 ngàn tấn gạo sang Indonesia và Vinafood 2 đang rục rịch cổ phần hóa. Nhưng giá bỏ thầu rất thấp cộng với những lình xình về tính minh bạch trong cổ phần hóa DN “anh cả” ngành lúa gạo kể trên vẫn khiến cho hàng loạt nhà đầu tư dè dặt. Điều này trong ngắn hạn khó lòng kích thích lượng vốn đổ vào khối DN nông - thủy sản trên thị trường chứng khoán trong các tháng tiếp theo.
Theo THẠCH BÌNH/Thời báo Ngân hàng
Ý kiến bạn đọc
(0)