Năm 2020: Dự báo nhà đầu tư bất động sản mở rộng dự án vùng ngoại ô
Đó là quan điểm được các chuyên gia bất động sản dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới.
Ảnh minh họa.
Sáng nay (19/12), Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020”.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội – JLL Việt Nam (Công ty nghiên cứu, tư vấn về thị trường bất động sản) cho biết, trong 9 tháng vừa qua, thị trường bất động sản vận động rất tích cực. Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc như Sumitomo đang đón đầu lợi thế Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Xét riêng tại Hà Nội, căn hộ là thị trường chính đang được mọi người quan tâm. Trong năm 2019, đây là thị trường rất nhộn nhịp. Các dự án chung cư tại Hà Nội từ năm 2010 mọc lên với mật độ dày đặc cả từ trung tâm đến rìa trung tâm (cách 40 -50 phút đi vào trung tâm).
Tính đến 9 tháng năm 2019 đã có 270.000 căn hộ được chào bán trên thị trường. Giá bán tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 4/2019, thị trường đón nhận 11.000 căn hộ, điều đó cho thấy thị trường đang rất nhộn nhịp.
“Dự báo, xu hướng nhà đầu tư sẽ mở rộng ra các dự án ngoại ô. Người mua không chỉ mua để đầu tư mà còn mua để ở - nhu cầu thật. Giá thuê căn hộ vẫn đang tăng trưởng; giá bán sắp tới sẽ ổn định nhờ tâm lý lạc quan và triển vọng của thị trường”, bà Vân cho biết.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2020 các tác động tới thị trường bất động sản sẽ tích cực hơn do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có thể phục hồi.
Theo ông Nghĩa, mấy năm gần đây, thương mại toàn cầu giảm mạnh, năm tới phục hồi sẽ kéo theo dòng tiền đầu tư. Đầu tư của Chính phủ, đầu tư PPP, FDI vào bất động sản cũng có xu hướng tăng. Thêm vào đó, Chính phủ chuẩn bị khởi công một số hạ tầng lớn, ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.
“Đầu tư của tư nhân cũng có tác động mạnh tới thị trường. Đầu tư của dòng đô thị hoá đang rất mạnh. Dòng này còn phụ thuộc vào dòng đầu tư nói chung, tạo ra một trào lưu về đô thị hoá mới, bắt đầu từ năm 2017 và dự kiến kéo dài tới 10 năm”, ông Nghĩa cho biết.
Đối với thị trường tài chính tiền tệ, ông Nghĩa cho biết, 3 năm nay thị trường ngân hàng khá ổn định, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng gấp đôi, đạt mức quân bình của Đông Nam Á, tỷ lệ lãi ròng trên vốn tăng cao. Thị trường ổn định tác động tích cực cho thị trường bất động sản, do đó không phải lo có ảnh hưởng tiêu cực từ hệ thống ngân hàng.
Dự diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại hệ số hấp thụ dự án tại Việt Nam rất cao, thể hiện lực cầu lớn trong năm 2019. Nhưng nếu cầu mạnh như vậy mà cung không theo kịp thì là điều phải cảnh báo. Thành phố Hà Nội dự báo sẽ hết hàng sớm hơn TP.HCM.
Theo ông Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nếu năm 2020, cung của thị trường vẫn nhiều thì sẽ một năm vẫn tốt đẹp. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại cung không chỉ ở hai thành phố lớn mà còn ở ở các thị trường bất động sản đang phát triển vài năm trở lại đây.
Theo VÂN PHONG/bizlive.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)