Phong Thuỷ 07 tháng 6, 2019

Mua gì để cúng Tết Đoan Ngọ?

Thứ Sáu, 07/06/2019 | 16:06 GTM+7

Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống ở một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tết Đoan Ngọ đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam.

Người Việt còn gọi Tết Đoan Ngọ là tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt diệt sâu bọ, tiêu diệt các loài có hại cho cây trồng. Vậy để chuẩn bị mâm cúng cho Tết Đoan Ngọ thì cần chuẩn bị gì?

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

-Hương hoa, vàng mã.

-Nước

-Rượu nếp

-Các loại hoa quả gồm: bánh ú tro, mận, vải, dưa hấu, chuối, xôi chè.

Rượu nếp và các loại hoa quả là những lễ vật không thể thiếu và tùy vào văn hóa của mỗi vùng miền mà mâm cúng cho ngày Tết Đoan Ngọ có sự khác biệt. Ví dụ trong mâm cúng của người miền Bắc thường có dưa hấu, người miền Trung thường không thể thiếu chè kê và thịt vịt, xôi chè. Người miền Nam không thể thiếu bánh tro, xôi gấc,…

Dù có khác nhau về lễ vật bày cúng nhưng tấm lòng thành hướng về tổ tiên, ông bà là những nét văn hóa đặc sắc của người Việt, trở thành một nét đẹp trong dân gian qua hàng ngàn năm.

Cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào?

Trong từ Đoan Ngọ, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giờ Ngọ, khoảng tầm từ 11 giờ đến 13 giờ trưa, nên khoảng thời gian cúng Tết Đoan Ngọ theo tập tục khoảng từ 11 giờ đến 13 giờ trưa. Tuy nhiên, hiện nay, do tính chất công việc và cuộc sống, nhiều gia đình cũng đã cúng sớm hơn.

Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ

Trung Quốc với truyền thuyết Khuất Nguyên:

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước.

Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày Tết Đoan ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục Tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.

Truyền thuyết Tết Đoan ngọ tại Việt Nam:

Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay. (Theo Ban Tôn giáo Chính phủ)

THỦY NGUYÊN (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)