Thứ Hai, 04/06/2018 | 20:06 GTM+7

Miễn tiền thuê đất 30 năm ở đặc khu: Nên không?

Có ý kiến quan ngại chính sách miễn tiền thuê đất 30 năm ở đặc khu có thể làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh, ý kiến khác lại cho rằng, chính sách đã xem xét đến hiệu quả.

Nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về chính sách miễn tiền thuê đất 30 năm ở đặc khu

Chính sách miễn tiền thuê đất 30 năm trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đối với dự án đầu tư vào đặc khu được đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là chính sách đi ngược lại cung cầu đất đai và e ngại chính sách không những không thu hút tốt các nhà đầu tư cạnh tranh mà có thể làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh giữa các đặc khu.

Ý kiến trên được ông Cường nêu ra trong phần cuối của bài phát biểu tại nghị trường sáng 29/5, chiều cùng ngày 3 đại biểu Quốc hội khác đã cùng tranh luận về vấn đề này.

Đã xem xét tính hiệu quả

Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Cường, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) khẳng định, so với các quy định hiện hành hiện nay đang ưu đãi đối với các khu công nghiệp thì trong dự thảo luật lần này cũng đã thu hẹp hơn và đồng thời cũng có xem xét đến hiệu quả.

Theo phân tích của bà Lan, hiện nay trong dự thảo quy định 2 trường hợp được miễn tiền thuê đất tới 30 năm. Một, với dự án thuộc danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Đây là lĩnh vực nằm trong danh mục cần thu hút đầu tư, vừa giải quyết mục tiêu về lĩnh vực xã hội cũng đồng thời những dự án đầu tư ít mang lại hiệu quả kinh tế.

Hai, miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm nhưng không quá nửa thời gian đầu tư của dự án của nhà đầu tư chiến lược nhưng phải đảm bảo được các điều kiện cam kết như dự thảo luật đã nêu. Ví dụ phải đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu.

Phải có quy mô sản xuất kinh doanh lớn, phải có nguồn vốn đầu tư tương ứng với một số các dự án được xem xét thuộc lĩnh vực ưu tiên này, tương ứng từ 6.000 tỷ đồng cho đến 45.000 tỷ đồng là mức tối thiểu. Cũng cần phải cam kết để giải ngân trong thời gian quy định là 3 năm cho đến 8 năm. Cam kết thực hiện chuyển giao được công nghệ tiên tiến và gắn bó lâu dài với đặc khu.

“Do vậy, chúng tôi nghĩ dự thảo luật quy định đối với việc miễn tiền thuê đất đối với không quá thời gian 30 năm trong dự thảo luật không phải là chưa xem xét đến hiệu quả đầu tư mà ở đây cũng đã xem xét đến hiệu quả sử dụng đất, tài sản của nhà nước đối với các dự án đầu tư vào đặc khu”, bà Lan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với bà Lan, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho biết, câu chuyện này không phải lần đầu tiên chúng ta làm và trên thế giới cũng học tập kinh nghiệm của rất nhiều nước.

Miễn thuế đất 30 năm quá dài

Trong khi đó, ông Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) bày tỏ, số tiền miễn theo ông 30 năm là quá dài. “Trong thời đại cuộc các mạng công nghệ 4.0 đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong nuôi trồng thủy sản chẳng hạn thì thời gian 10 năm đủ để doanh nghiệp đó đầu tư triển khai và chu kỳ sản xuất kinh doanh là 7, 8 lần thì doanh nghiệp đó cũng có thể thu lại lãi”, ông Nhường lý giải.

Ông cũng đặt vấn đề, giả sử doanh nghiệp đó phá sản thì thời gian 30 năm miễn là như thế nào. Đồng thời kiến nghị, ở Điều 34 quyền sở hữu nhà của tổ chức, cá nhân, người nước ngoài tại đặc khu, để thận trọng và phòng ngừa mất quyền kiểm soát đề xuất nên quản lý giống như trong chứng khoán, chúng ta có "room" với nhà đầu tư nước ngoài ở một số công ty quan trọng.

“Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung tổng số nhà, đất người nước ngoài sở hữu hoặc đầu tư cho các dự án liên quan đến đất đai không quá 40% tổng dự án đất đai. Điều 35, quyền sở hữu căn hộ, khách sạn, biệt thự tại khu nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp với lưu trú thì tối đa cũng không quá 40%”, ông Nhưỡng nói.

Theo BẢO VY/bizlive.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)