Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019: Loại bỏ hàng ngàn quy hoạch
Ngày 1-1-2019, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực và dự kiến có khoảng 8.400 quy hoạch các cấp: quốc gia, vùng, tỉnh, huyện sẽ được loại bỏ. Luật đi vào thực hiện sẽ đơn giản hồ sơ thủ tục cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các công trình, dự án.
Luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ giảm thủ tục, nhiều dự án ở tỉnh sẽ triển khai nhanh hơn. Trong ảnh: Một góc TP.Biên Hòa.
Theo Vụ Quản lý quy hoạch, trong giai đoạn 2011-2020 Việt Nam mất khoảng 8 ngàn tỷ đồng để triển khai thực hiện gần 20 ngàn quy hoạch của các cấp, các ngành. Trong đó, có không ít quy hoạch được lập ra nhưng không thực hiện gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Bớt nhiều thủ tục
Khi Luật Quy hoạch đi vào thực hiện, dự tính số quy hoạch ở cấp quốc gia giảm từ 270 xuống còn 41 quy hoạch. Quy hoạch ở cấp vùng giảm từ 76 xuống còn 6 quy hoạch và quy hoạch ở cấp tỉnh giảm từ 3.308 quy hoạch xuống còn 63 quy hoạch và loại bỏ 708 quy hoạch tổng thể ở cấp huyện vì được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa ra danh mục quy hoạch bắt buộc phải tích hợp vào quy hoạch tỉnh và danh mục quy hoạch tùy vào đặc điểm địa phương để tránh việc quy hoạch của tỉnh bị dư hoặc thiếu, gây khó khăn khi thực hiện các dự án. |
Như vậy, sắp tới tất cả các quy hoạch còn giữ lại sẽ được tích hợp chung vào một bộ dữ liệu quy hoạch của tỉnh. Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện các dự án công trình phù hợp với quy hoạch của tỉnh là được phê duyệt thực hiện. Quy hoạch này được công khai rộng rãi để người dân biết nên sẽ giảm được nhiều thời gian, chi phí đi lại cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay: “Lâu nay khi thực hiện dự án hay đề án về sản xuất - kinh doanh thì doanh nghiệp, cá nhân phải mất rất nhiều thời gian, chi phí chờ các sở, ngành, địa phương phê duyệt quy hoạch. Nhưng khi luật mới có hiệu lực sẽ bỏ được việc phải đi các sở, ngành, địa phương xin quy hoạch ngành vì những quy hoạch còn giữ lại đều tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh”. Cụ thể, sẽ có hàng loạt quy hoạch được loại bỏ như: quy hoạch mạng lưới xăng dầu, du lịch…
Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho biết: “Luật Quy hoạch loại bỏ nhiều quy hoạch cấp huyện và quy hoạch ngành nên sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản, rút ngắn thời gian làm hồ sơ các dự án sẽ bớt được tốn kém, rủi ro. Vì hồ sơ kéo dài, doanh nghiệp dễ mất đi các cơ hội trong đầu tư mở rộng sản xuất”.
Hiện tại, quy hoạch của các ngành, địa phương rất chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Có khi cùng một ngành nhưng có nhiều quy hoạch được lập, mỗi quy hoạch lại đề ra một chỉ tiêu khác nhau gây khó khăn, tốn kém trong quá trình thực hiện. Ví dụ như quy hoạch đường, điện, viễn thông do thiếu thống nhất dẫn tới việc đường vừa làm xong lại đào lên để thi công đường điện, cáp viễn thông gây lãng phí lớn. Hay doanh nghiệp, cá nhân muốn xây dựng 1 cây xăng phải đợi quy hoạch cấp huyện, quy hoạch ngành công thương, tài nguyên - môi trường, xây dựng. Nhưng tới đây những quy hoạch trên sẽ tích hợp chung vào quy hoạch của tỉnh, khi doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu phù hợp quy hoạch, sẽ được cấp phép.
Còn nhiều lúng túng
Luật Quy hoạch được ban hành từ cuối năm 2017 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện khiến các địa phương đang gặp một số khó khăn cho việc chuẩn bị triển khai.
Cụ thể, hiện chưa có hướng dẫn quy hoạch nào tiếp tục triển khai thực hiện, quy hoạch nào sẽ bị loại bỏ hoặc tích hợp vào quy hoạch chung, các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất tiêu thụ... sẽ được xử lý như thế nào. Do đó, trong thời gian tới các ngành có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, quyết định chủ trương đầu tư với những dự án phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng không phù hợp quy hoạch ngành.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, tỉnh đã đề xuất Chính phủ sớm quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng để tránh việc quy hoạch tỉnh được phê duyệt trước sẽ dẫn đến khi những quy hoạch cao hơn được phê duyệt thì quy hoạch cấp tỉnh sẽ phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung gây ảnh hưởng cho các dự án đang triển khai. Đồng thời hiện nay chưa có hướng dẫn chi tiết lập quy hoạch để tỉnh lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Nếu không nhanh chóng xử lý thì cuối năm 2020, quy hoạch giai đoạn 2011-2020 hết hiệu lực và nhiều dự án phải ngưng lại chờ phê duyệt quy hoạch giai đoạn mới, gây ảnh hưởng phát triển kinh tế của địa phương.
Theo KHÁNH MINH/Báo Đồng Nai
Ý kiến bạn đọc
(0)