Thứ Năm, 13/06/2019 | 20:06 GTM+7

Long Thành lại sốt đất

Chị Ly chủ quán cà phê võng tại ấp 3, ấp An Lâm (xã Long An) nói: Đất đai vùng này mấy tháng nay lên cao quá, 3 năm trước chỉ vài trăm ngàn đồng/m2, đất gần mặt đường nhựa cao lắm cũng chưa tới 1 triệu đồng/m2, thế nhưng 2 năm trở lại đây, đất tăng chóng mặt lên cả chục lần...

Dự án chưa hoàn tất thủ tục pháp lý đang rao bán (Ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành). Ảnh: Nông Ngân

Cách đây tròn 4 năm, khi dự án (DA) xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được Quốc hội chính thức thông qua, đất ở khu vực quanh sân bay bắt đầu tăng giá. Và từ tháng 11-2018, khi DA thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ phê duyệt thì giá đất bước vào thời kỳ tăng nóng. Nhất là trong vòng nửa tháng qua, khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính để phục vụ DA sân bay Long Thành chính thức được công bố thì bất động sản (BĐS) khu vực này lại lên cơn sốt...

Nhan nhản điểm bán đất

Vào vai những người đầu tư đất, chúng tôi tìm đến huyện Long Thành. Ghé cây xăng bên lề đường quốc lộ 51 và hỏi dò, anh nhân viên nói: “Đi mua đất đúng không?”, rồi buông ngay một câu: “Đất đang sốt”. Quả thật, chỉ cần rẽ từ quốc lộ 51 vào một đoạn, nhan nhản những điểm mua bán đất gắn với từ “sân bay Long Thành”.

Tại một khu đất gần chợ Lộc An mới xây, có 3 nhóm người đứng cạnh những tấm bảng quảng cáo: “Mở bán đợt 1 khu đô thị cao cấp sân bay Long Thành”, chúng tôi được một người tên Tú dẫn đến DA khu đô thị cao cấp sân bay Long Thành. Từ đường ĐT 769 vào khoảng 500m, là một bãi đất rộng chừng 5.000m2 đang được đào bới, nằm lọt thỏm xung quanh vườn cây keo.

Anh này hồ hởi: “Dù là mới mở bán nhưng 41 lô đã có người đặt chỗ, nếu không nhanh tay thì 8 lô còn lại sẽ chẳng còn trong nay mai”. Giá đất từ 1,3 - 1,4 tỷ đồng/lô 100m2, nếu đồng ý thì đặt cọc trước 40% và sau 3 tháng có sổ riêng sẽ thanh toán toàn bộ.

Gần khu vực này, cũng có 1 nhóm môi giới khác giới thiệu những lô đất 1,6 tỷ đồng/lô 100m2. Một nhân viên tên Nam khoe đã bán được hơn 200 lô, hiện chỉ còn lại 2 lô là đất của nhà chùa gửi bán.

Mặc dù chỉ cách UBND xã Lộc An khoảng 200m, nhưng khi đến xác minh tính pháp lý của các DA này, ông Nguyễn Tấn Long - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, cho biết không nắm được các DA nêu trên và xã không quản lý các DA nên nếu muốn hỏi thì lên huyện Long Thành.

Từ đường ĐT 769, chúng tôi rẽ về con đường Bưng Môn hướng về xã Long An và cũng giống như nhiều con đường khác ở vùng đệm sân bay Long Thành, 2 bên đầy những tấm biển quảng cáo rao bán đất nền.

Bán đất để mong đổi đời

Tấp vào một quán cà phê bên đường, nơi có treo bảng quảng cáo bán đất nền chỉ với 460 triệu đồng/nền, chị Ly chủ quán cà phê võng tại ấp 3, ấp An Lâm (xã Long An) nói: “Đất đai vùng này mấy tháng nay lên cao quá, 3 năm trước chỉ vài trăm ngàn đồng/m2, đất gần mặt đường nhựa cao lắm cũng chưa tới 1 triệu đồng/m2, thế nhưng 2 năm trở lại đây, đất tăng chóng mặt lên cả chục lần. Chỉ sang miếng đất đối diện, chị cho biết là của người em, 10 x 50m, năm ngoái bán với giá hơn 5 tỷ đồng, mới đây, có người đến hỏi mua với giá 8 tỷ đồng nhưng chủ mới chưa bán, khiến chủ đất cũ tiếc đứt ruột.

Trong hơn 1 năm qua, khi giá đất quanh khu vực DA sân bay tăng liên tục, không ít người dân ở các xã Bình Sơn, Long An, Cẩm Đường… tham gia lướt sóng, môi giới đất đai.

Chị Thúy, một nông dân chính hiệu mới gia nhập đội ngũ nhà đầu tư lướt sóng BĐS, cho biết một người gần nhà chị mới chuyển nhượng một lô đất lúa vuông vức có diện tích 1 công với giá 1,1 tỷ đồng.

Cách đây 1 năm, giá chỉ 500 triệu đồng. Riêng chị mới mua 2 miếng có diện tích hơn 3 công (đất trồng cây lâu năm, quy hoạch đất ở) thuộc ấp Suối Quít, cách đây 2 tháng (đang trong thời gian làm thủ tục) có giá hơn 800 triệu đồng/công (1.000m2) nhưng giờ đã có mối sang nhượng lại với giá 1,15 tỷ đồng/công và sau khi trừ chi phí, chị cũng kiếm được 600-700 triệu đồng.

Theo chị Thúy, người dân các xã quanh đây rất phấn khởi, vì “có DA sân bay thì giá đất lên cao và người dân như chúng em mới nhanh chóng đổi đời”.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, khi được hỏi về các DA phân lô bán nền trên đất nông nghiệp ở khu vực các xã quanh sân bay, đã khẳng định: Trước đây, trên địa bàn huyện có hiện tượng phân lô bán nền nhưng từ khi nhận chức chủ tịch huyện (tháng 5-2018) đến nay, không phát sinh bất kỳ DA BĐS phân lô bán nền nào mới! Cũng theo ông Đức, hiện huyện đang lập hồ sơ chuẩn bị cưỡng chế một số trường hợp xây dựng trái phép, trong đó có DA của Công ty Alibaba.

Phòng một cửa tiếp nhận hồ sơ của huyện Long Thành những ngày này chật kín người đến làm thủ tục chuyển nhượng đất đai. Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện cho biết, trong tháng 4 và tháng 5, văn phòng tiếp nhận gần 2.800 hồ sơ xin chuyển nhượng đất, trong đó riêng tháng 5 là gần 1.600 hồ sơ, tăng gấp 1,5 lần so với những tháng trước đó.

Theo VĂN PHONG - NÔNG NGÂN/Báo SGĐTTC

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)