Câu hỏi cho mọi sinh viên vừa làm lễ tốt nghiệp ĐH ngành kiến trúc, bỗng một ngày những căng thẳng, áp lực và hồi hộp của bạn về không khi buổi bảo vệ của bạn đã qua. Giờ là lúc bạn phải thực sự suy nghĩ về kế hoạch hành động sắp tới của mình: theo đuổi sự nghiệp nào với tấm bằng KTS sắp tới?
Nhiều câu hỏi bạn sẽ vấp phải khi thực sự bước vào đời sống của một người trưởng thành độc lập với vai trò là KTS – một danh từ chứa đựng nhiều kỳ vọng của xã hội và gia đình.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Bằng kinh nghiệm của người làm nghề, quan sát đồng nghiệp kết hợp những kinh nghiệm làm báo chí truyền thông tôi muốn chia sẻ các bạn vài điều:
Dành thời gian suy nghĩ về bản thân
Trước khi bạn làm gì hãy dành thời gian cho việc suy ngẫm về bản thân, đánh giá lại quá trình bạn đã theo học ngành để trả lời câu hỏi sau:
+ Bạn thực sự yêu nghề Kiến trúc sư không?
+ Bạn sẽ muốn làm KTS thuộc lĩnh vực nào: quản lý dự án, thiết kế nhà ở, thiết kế công trình lớn, quy hoạch-cảnh quan….
+ Bạn có dự định đi học nâng cao trình độ không? Nếu có thì khi nào? Làm thế nào đạt được ?
+ Bạn muốn có một sự nghiệp như thế nào với nghề Kiến trúc?
Còn rất nhiều câu hỏi nhưng những câu hỏi này là câu hỏi sẽ gắn liền với bạn trong vòng 10 – 15 năm, hãy tưởng tượng lúc này bạn mới ra trường là đang ở ngưỡng tuổi 23, trong vòng 10-15 năm bạn sẽ đang ở ngưỡng tuổi 33-38 tuổi, đây là ngưỡng tuổi gần như chín chắn của đời người và lúc này bạn sẽ có thể đảm nhiệm vai trò là chủ trì đồ án, chủ nhiệm đồ án, trưởng phòng, giám đốc…Như vậy cần phải chuẩn bị rất nhiều khi bước vào giai đoạn này nhằm đạt được sự thăng hoa tối đa tại điểm rơi quan trọng của đời người.
Tìm nơi làm – Tìm Thầy
Chọn nơi làm với chọn Thầy bản chất là rất gần nhau khi hầu hết các mối quan hệ nghề nghiệp đầu tiên của bạn đều xuất phát từ môi trường làm việc. Xác định được lĩnh vực bạn định theo đuổi, lên mạng tìm kiếm các công ty, bạn có thể tham khảo danh bạ các doanh nghiệp kiến trúc để tra cứu.
Để ý rằng tại công ty lớn bạn sẽ làm những việc lặt vặt cơ bản còn ở các công ty nhỏ và vừa thì bạn có cơ hội làm rất nhiều các công việc khác nhau, điều này giúp bạn có khả năng thích ứng và đặc biệt tốt cho những ai có ý định mở văn phòng cho riêng mình.
Chọn thầy dạy nghề rất quan trọng, nhưng đó là kết quả tất yếu sau khi bạn xác định hướng đi muốn biết mình trở thành KTS hành nghề trong lĩnh vực nào. Nếu đã xác định trở thành KTS thiết kế dài lâu, hãy tìm các văn phòng thiết kế có tên tuổi trong lĩnh vực mình định theo đuổi. Trong văn phòng bạn định xin vào, hãy tìm cách làm việc và kết thân với những đồng nghiệp đi trước, tìm được cho mình 1 vài người có thể hỏi xin ý kiến, học hỏi họ những kỹ năng và vốn sống.
Có những người họ sẽ dạy bạn kỹ năng cụ thể, có những người họ sẽ chỉ bạn hướng đi và cách làm nghề, nhưng quan trọng hãy thể hiện cho họ thấy bạn là một người đáng tin, khiêm tốn, cầu thị và sẵn sàng học hỏi. Đừng quên bồi đắp nuôi dưỡng những mối quan hệ này về sau, họ sẽ trở thành những người anh, người Thầy của bạn trong suốt cuộc đời làm nghề còn lại.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Xây dựng nhân hiệu trong nghề nghiệp
Rất có thể các bạn sẽ nghĩ là mình là sinh viên mới ra trường, có gì đâu mà xây dựng nhân hiêu. Nếu có thể ví von thì nhân hiệu giống như một cái cây, nếu bạn không bắt đầu ươm mầm và chăm sóc thì sau 10 năm tới liệu bạn có thể có hoa và quả? Công việc xây dựng nhân hiệu sẽ là liên tục và thường xuyên để cho mỗi người, cũng như cộng đồng xung quanh nhìn nhận về bạn.
Nhân hiệu của một KTS thì qua nhiều giai đoạn khác nhau, cấp độ khác nhau, ngoài các kỹ năng như chuyên môn thì bạn cần thể hiện những giá trị khác dưới đây khi bạn đang là KTS học việc:
Lúc này kiến thức của bạn về nghề là bằng 0 và bạn phụ thuộc vào người đi trước có truyền dạy không? Những người đi trước họ cần gì ở bạn:
•Thái độ nghiêm túc & chủ động trong công việc.
•Đảm bảo tiến độ và cam kết
•Khiêm tốn: rất nhiều trường hợp các bạn có 1 vài kỹ năng 3D, sketch nhưng lại nghĩ như thế là quá đủ làm KTS lớn rồi, thực tế là làm KTS thì cần nhiều kiến thức và bạn còn phải học nhiều.
•Kỹ năng sử dụng phần mềm
•Khả năng tư duy logic
Sau này khi bạn trở thành KTS triển khai, KTS chủ trì, KTS chủ nhiệm, hoặc qua các vị trí khác nhau trong tổ chức thì những đòi hỏi sẽ còn thay đổi tuy nhiên căn bản có thể tóm lại thành mấy chữ: Năng lực, Đạo đức, Đáng tin.
Hãy đầu tư cho nhân hiệu của mình, rất nhanh bạn sẽ thấy kết quả.
Xây dựng mục tiêu học tập
Trong vòng 10 năm phát triển sự nghiệp bạn cần chia nhỏ ra thành 3 năm một giai đoạn, lý do vì thường các khoá học sẽ kéo dài 3-5 năm trong đó việc học sau đại học thường không quá 3 năm nếu bạn xác định được mục tiêu.
Trong 10 năm khi bạn đạt độ tuổi 33 bạn sẽ có khoảng 7 năm để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, như vậy cần chuẩn bị một kế hoạch đào tạo cho mình trong lĩnh vực đó.
Đào tạo không nhất thiết là đạt được chức danh Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ, tuỳ vào cách bạn theo đuổi sự nghiệp của mình, giả sử bạn định làm KTS thiết kế thì lúc này việc đạt được chứng chỉ Chủ nhiệm đồ án cũng là mục tiêu cần vạch ra.
Một mục tiêu đào tạo quan trọng mà hiện nay là khoảng trống của các KTS đó là ngoại ngữ, trong vòng 3 năm ra trường bạn nên thực sự tìm cách sử dụng thành thạo tiếng Anh với các kỹ năng nghe nói đọc viết, nếu bạn làm thành công mục tiêu này thì đó là đảm bảo cho bạn cơ hội: mở rộng kiến thức, mạng lưới quan hệ , thậm chí là cả tài chính.
Để đạt mục tiêu thêm kiến thức và tiếng Anh đồng thời, rất có thể bạn nên cân nhắc tới kế hoạch đi du học sau Đại học nếu có điều kiện hoặc đã chuẩn bị kỹ càng. Nếu định đi du học hãy đi ngay trong vòng 1-2 năm đi làm vì giai đoạn này thường là lúc bạn đang chưa thực sự định hình hướng sự nghiệp. Đi du học thực sự sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới có ích cho tương lai.
Mục tiêu tài chính:
Hãy tìm hiểu về khái niệm tự do tài chính: bạn sẽ thấy việc hiểu được tình trạng tài chính của mình quan trọng như thế nào, có được một kế hoạch tài chính cho bản thân là điều cần thiết để thực hiện nhiều việc trong tương lai. Xác định được khoản chi tiêu hàng tháng, hàng năm sau đó là các mục tiêu khác như: đi học, mua nhà, mua xe, lập gia đình…tất cả những việc này sẽ tạo sức ép lên bạn, nhưng sẽ khiến bạn trưởng thành và ý thức rõ về bản thân.
Thường thì nghề kiến trúc sẽ tương đối nhọc nhằn trong công việc kiếm tiền bởi mức lương thực sự không phải là cao nếu như bạn không biết cách tạo ra các nguồn thu nhập khác nhau và quan trọng hơn phải biết TIẾT KIỆM – cơ sở của tích lũy.
KL: Còn rất nhiều việc bạn sẽ phải làm trong nghề Kiến trúc, những điều nêu trong bài chỉ là trải nghiệm mang tính cá nhân đúc rút hi vọng sẽ giúp được các bạn KTS trẻ bỡ ngỡ mới ra trường. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng không có công thức phổ quát cho mọi trường hợp, bạn hãy tìm hiểu, vận dụng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình.
Theo KTS. VƯƠNG ĐẠO HOÀNG/kientrucvietnam.org.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)