Thứ Tư, 26/06/2019 | 17:06 GTM+7

Kìm cơn sốt ảo giá đất Đà Lạt

Khoảng 3 tháng trở lại đây, sau khi UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình hồi tháng 3-2019, giá nhà đất các tuyến đường khu vực này liên tục bị "cò" đất đẩy lên rất cao, có bản tin rao bán đất với giá lên tới cả tỉ đồng/m2.

Trước đây, giá nhà đất tại khu trung tâm TP Đà Lạt gồm các trục đường chính như: Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng... cao nhất khoảng 150-250 triệu đồng/m2, hiện được rao bán trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, diễn đàn về nhà đất... với giá vài trăm triệu đồng, cá biệt có nơi rao lên cả tỉ đồng/m2. "Cò" đất thổi phồng về lợi nhuận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỉ đồng, chỉ trong thời gian ngắn nhằm lôi kéo nhiều người đầu tư vào đất ở Đà Lạt.

Nhiều người đã bỏ cả công ăn việc làm để đi buôn đất. Có người là công chức, viên chức cũng chạy đôn chạy đáo huy động vốn, vay tiền ngân hàng để đầu tư vào bất động sản. Chị Lan, một viên chức công tác hơn 10 năm trong ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, cho biết cách đây 2 tháng, có người đến hỏi mua căn nhà gần trung tâm TP Đà Lạt của gia đình chị với giá 3 tỉ đồng, gấp 6 lần số tiền chị đã bỏ ra. Cầm số tiền lớn, cả nhà chị ra vùng ven mua một căn nhà rộng rãi hơn để ở. Phần còn lại, chị Lan dùng làm vốn đi săn đất bán kiếm lời.

Giá đất tại các trục đường trung tâm TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang được “cò” đất thổi phồng

Tuy nhiên, những người làm môi giới bất động sản lâu năm ở Đà Lạt cho rằng giá đất thực tế ở khu Hòa Bình chỉ bằng một nửa so với giá rao bán. Trước đây, vì nghe theo tin đồn của "cò", một số chủ đất đã tự nâng giá nhà đất của mình lên cao để kiếm lời. Những người khác thấy vậy cũng "điều chỉnh" giá bán khiến nhiều người lầm tưởng bất động sản ở khu vực đang lên cơn sốt.

Theo phân tích của bà Trần Thiên Trang (44 tuổi, một người làm nghề môi giới bất động sản tại tỉnh Lâm Đồng), muốn biết giá trị thật của bất động sản, phải xác định được hệ số sinh lợi cộng với các yếu tố về môi trường, cảnh quan, hạ tầng giao thông, an ninh và an sinh, chưa kể các vấn đề quy hoạch... "Chính vì vậy, người dân không chuyên thì không nên mạo hiểm mua bán qua "cò", sẽ rất phức tạp về pháp lý. Khi giá nhà đất chững lại, việc mua bán sẽ gặp khó khăn trong khi hằng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng, rất dễ dẫn đến vỡ nợ, phá sản" - bà Trang cảnh báo.

Tại buổi giao ban báo chí tháng 6-2019, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: "Giá đất tại trung tâm TP Đà Lạt được đồn thổi lên đến 1 tỉ đồng/m2 là điều vô cùng phi lý, không có căn cứ. Cơn sốt ảo giá đất này rất tai hại và gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư khi muốn vào Đà Lạt tìm cơ hội sản xuất - kinh doanh...".

Cũng tại buổi họp, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết việc này được Tỉnh ủy rất quan tâm và chỉ đạo các sở - ngành liên quan như: Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Phát triển nhà đất Đà Lạt... vào cuộc rà soát, tìm hiểu để đề xuất cụ thể lên UBND tỉnh Lâm Đồng có hướng chấn chỉnh và sớm thông tin rộng rãi cho người dân.

Theo ĐÌNH THI/Báo Người Lao động

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)