Không thể cấp GCN “đất ở” lâu dài cho căn hộ condotel
Đó là phát biểu của ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) tại hội thảo “Pháp lý cho condotel” được tổ chức tại TPHCM vào sáng nay 17-12.
Theo ông Phấn, khi làm thủ tục đầu tư cho dự án và các thủ tục liên quan đến dự án là “đất sản xuất kinh doanh” và dự án được quy hoạch là “đất sản xuất kinh doanh” thì không thể chuyển sang đất ở được.
Do vậy khi cấp giấy chứng nhận cũng phải cấp theo quy định, không thể “đầu vào” một nẻo mà “đầu ra” một nẻo.
Thời gian qua một số địa phương như Đà Nẵng, Bình Định sáng tác ra khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” để cấp giấy chứng nhận cho loại hình condotel, theo ông Phấn đây là khái niệm rất mù mờ, không đúng quy định pháp luật nên phải thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Theo các chuyên gia, cần phải làm rõ condotel là cái gì để so sánh với “hệ quy chiếu”, từ đó có thể cấp giấy chứng nhận như thế nào.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều chủ đầu tư condotel đưa ra "bẫy" lợi nhuận khủng khi chào bán loại hình bất động sản này. Thứ nhất, cam kết lợi nhuận khủng kèm theo cam kết pháp lý hoàn chỉnh giúp cho chủ đầu tư thuyết phục người mua đồng ý xuống tiền. Cách làm này hỗ trợ doanh nghiệp đạt tiêu chí 3 nhanh: bán nhanh, thu hồi vốn nhanh, chốt lời nhanh.
Thứ hai, khi các khách hàng mua condotel vì bánh vẽ lợi nhuận hấp dẫn, chủ đầu tư có thêm nguồn vốn bổ sung thay thế một phần vốn vay tín dụng và việc huy động tiền từ khách hàng dễ dàng hơn.
Thứ ba, một khi khách hàng đồng ý với điều khoản cam kết lợi nhuận (thường là có điều kiện đi kèm như giao chủ đầu tư quyền quản lý condotel), chủ đầu tư nắm trong tay quyền kinh doanh căn hộ condotel đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp.
Thứ tư, việc bán hàng nhanh, huy động vốn nhanh có lợi hơn rất nhiều so với đi vay ngân hàng, mặc dù phải trả lợi nhuận cao cho nhà đầu tư thứ cấp. Trên thực tế, đa phần doanh nghiệp bất động sản khi phát triển dự án thường không có đủ nguồn vốn 100% để thực hiện. Doanh nghiệp thường chỉ có 30-35% vốn tự có, chủ yếu đã nằm trong quỹ đất và một phần thủ tục pháp lý ban đầu, trong khi 65% dòng tiền còn lại phụ thuộc vào việc đi vay các tổ chức tín dụng và huy động từ khách hàng.
Thứ năm, khi áp dụng chiến thuật bán hàng này doanh nghiệp được nhà đầu tư thứ cấp cùng gánh chịu, chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh về sau.
Hiện Luật Kinh doanh Bất động sản lại có lỗ hổng là không quy định chặt chẽ các điều kiện bán condotel hình thành trong tương lai. Do đó, khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp dòng sản phẩm này lại có thể bị nhiều rủi ro và thua thiệt.
Theo TRÀ GIANG/Báo Sài Gòn giải phóng
Ý kiến bạn đọc
(0)