HoREA đưa ra khuyến nghị hút vốn đầu tư chỉnh trang đô thị TP.HCM
Một đô thị đang phát triển từng ngày như TP.HCM đang có nhiều vấn đề để giải quyết
TP.HCM đang thực hiện Chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị với các hoạt động di dời nhà ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư hư hỏng nặng. Ngoài ra, thành phố vẫn còn khoảng 1.200 dự án phát triển bất động sản của các doanh nghiệp đang có nhu cầu hợp tác, liên doanh, liên kết, nhất là với doanh nghiệp Nhật Bản.
Có thể nói tình hình đô thị hiện nay của TP.HCM cũng giống Nhật Bản cách đây 50 năm trước. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng để giãn dân từ các thành phố lớn ra ngoại ô. Khi hạ tầng được đầu tư sẽ kéo theo các nguồn vốn đổ về các khu vực đó hình thành các khu dân cư sầm uất, một bộ phận dân cư sẽ di dời ra ngoại thành sống khi đó các vấn đề kẹt xe, ngập nước cũng được giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng từng nhấn mạnh TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng vẫn là một đô thị chưa hoàn chỉnh, phải đối phó với những thách thức như kẹt xe, ngập nước, vấn đề vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu. Vấn đề vẫn còn hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh, rạch là nỗi trăn trở của lãnh đạo thành phố nhiều thời kỳ.
Để hoàn thành những mục tiêu, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của thành phố, chủ trương xã hội hóa để tiết giảm gánh nặng cho ngân sách là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình khó khăn của ngân sách như hiện nay.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh, một trong những khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng với khoảng khoảng 25.745 tỉ đồng. Do nguồn vốn ngân sách TP.HCM chỉ có 2.508 tỉ đồng nên cần phải huy động hơn 23.000 tỉ đồng nữa mới đủ.
Để có thể TP.HCM thu hút được vốn đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chương trình này, tại hội thảo do chính Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức cuối tuần qua, hiệp hội này đã đưa ra những khuyến nghị mới đối với các doanh nghiệp địa ốc như sau:
1. Doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận; doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển; chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay, chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 1.1.2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
2. Luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).
3. Phải luôn phấn đấu trở thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn; trong đó cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của thành phố; chương trình nhà ở xã hội của thành phố; chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
4. Cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của chính doanh nghiệp.
5. Xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
6. Doanh nghiệp nào hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu, niêm yết chứng khoán ở nước ngoài.
7. Các doanh nghiệp nên hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước có năng lực mạnh.
8. Nên lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
9. Các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu để có thể sớm đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện chứng khoán hóa bất động sản.
"Trong chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị từ nay tới năm 2025, TP.HCM sẽ quyết liệt di dời và giải tỏa gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập. Theo đó, kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu từ 2015 - 2020 tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn 2 từ năm 2020 - 2025 hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
UBND TP.HCM cũng đã phát hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư đối với các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị của thành phố như: Dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven Bờ Nam Kênh Đôi, Quận 8; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp); dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ven và trên rạch Văn Thánh…
Theo Sở Xây dựng, hơn 20 năm qua thành phố đã di dời khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Tuy nhiên, nhà ở trên và ven kênh rạch, ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Hiện trên địa bàn vẫn còn khoảng 21.850 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung chủ yếu ở quận 8, quận 7, quận 4.
Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã phân loại 3 nhóm dự án bao gồm nhóm chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (53 dự án, kinh phí hỗ trợ tái định cư khoảng 21.518 tỉ đồng), nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (3 tuyến kênh rạch, chi phí bồi thường khoảng 2.700 tỷ đồng) và nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công ty PPP (6 dự án, kinh phí bồi thường khoảng 19.024 tỉ đồng).
Đối với chương trình cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng, nguy hiểm thì đến năm 2020 thành phố phấn đấu cải tạo, sửa chữa, xây mới thay thế 50% chung cư cũ hư hỏng (trong tổng số có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975). Đặc biệt phải hoàn thành tháo dỡ, xây mới thay thế chung cư hư hỏng cấp D (cấp nguy hiểm). Hiện vẫn có 13 chung cư cấp D chưa có chủ đầu tư và hàng loạt chung cư cần cải tạo, chỉnh trang."
Theo A.T tổng hợp/motthegioi.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)