HoREA: Bất động sản TP HCM đã 'đóng băng' gần 2 tháng
Giao dịch mua bán nhà giảm khoảng 70%, doanh thu giảm khoảng 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.Khoảng 10% hợp đồng mua nhà phải xin thanh lý do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng.
HoREA cho rằng thị trường BĐS TP HCM đã 'đóng băng' gần 2 tháng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định thị trường quý I trải qua giai đoạn trầm lắng, gần như bị "đóng băng" trong cả tháng 3 và nửa đầu tháng 4. Giao dịch mua bán nhà giảm khoảng 70%; doanh thu giảm khoảng 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Thành phố chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% cùng kỳ và giảm gần 70% so với quý trước.
Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%. Điều này càng tạo thêm áp lực đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Theo số liệu của HoREA, quý I, cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), chỉ có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 30% tổng số sản phẩm được đầu tư xây dựng. Giá nhà ở nhìn chung chưa giảm.
800 sàn giao dịch bất động sản phải ngừng hoạt động, chiếm 80% tổng số sàn trên cả nước. Theo thông tin nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất, ở 94%. Đồng thời, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm đến 12% cùng kỳ, đứng thứ 2 thị trường.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI quý I của cả nước đạt 8,55 tỷ USD, giảm 21% cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giảm mạnh, đạt 264 triệu USD, chỉ chiếm 3% tổng nguồn vốn, tụt xuống vị trí thứ 4. Tại TP HCM, vốn FDI thu hút giảm đến 58%, chỉ đạt gần 321 triệu USD; trong đó ngành xây dựng bất động sản chỉ thu hút được 35 triệu USD, đứng vị trí thứ 2.
Theo KHỔNG CHIÊM/Người Đồng Hành
Ý kiến bạn đọc
(0)