Thứ Năm, 16/05/2019 | 17:05 GTM+7

Hà Nội: "Sốt đất" tại 4 huyện chuẩn bị lên quận: Thận trọng để tránh rủi ro

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại 4 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm (Hà Nội) - các địa phương chuẩn bị thành quận vào năm 2020 - có nhiều thông tin trái chiều. Nhiều người tỏ ra lo lắng khi giới đầu cơ "tung tin hỏa mù", tạo làn sóng "sốt đất ảo” để trục lợi. Do vậy, người dân cần thận trọng khi đầu tư để tránh rủi ro.

Thanh Trì là một trong các địa phương đang diễn ra “sốt đất ảo”. Ảnh: Thái Hiền

Giá đất tăng, giao dịch không tăng

Nghịch lý này đang diễn ra trên địa bàn 4 huyện nói trên. Đặc biệt tại huyện Đông Anh, khu vực được đánh giá "sốt" nhất là dọc trục đường Võ Nguyên Giáp (xã Vĩnh Ngọc), đường Võ Văn Kiệt (xã Kim Chung), trung tâm thị trấn Đông Anh... Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện một bộ phận không nhỏ giới đầu cơ mua nhiều lô đất và "tung hỏa mù" để tạo "cơn sốt ảo". Trong khi đó, trên thực tế, giao dịch đất đai tại huyện Đông Anh không tăng đột biến và người dân cũng không bỏ tiền "ôm" đất rầm rộ như nhiều năm trước.

Theo anh Trần Tùng, Văn phòng Bất động sản Tùng Đông Anh, từ đầu năm đến nay, giá đất trên địa bàn huyện tăng 15-30%, song giao dịch không tăng, thị trường ổn định và cũng không bị ảnh hưởng do giới đầu cơ "thổi phồng". Tại khu vực chân cầu Nhật Tân (xã Vĩnh Ngọc), giá 35-40 triệu đồng/m2 (tăng 5-10 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2018); tại thị trấn Đông Anh giá 25-40 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 20%). Còn khu vực thôn, xóm ở các xã: Tiên Dương, Uy Nỗ có giá 10-20 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Tương tự, tại huyện Hoài Đức, giá đất thổ cư tăng, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số khu vực như: Khu đô thị mới Geleximco (khu A, khu B, khu C, khu D); Thiên đường Bảo Sơn và các khu đất dịch vụ thuộc xã An Khánh. Tình trạng này cũng xảy ra tại huyện Thanh Trì. Giá đất tăng khoảng 15-20%, cá biệt tăng 40% nhưng cũng chỉ tập trung ở một số xã có hạ tầng đồng bộ như: Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Tân Triều...

Tại huyện Gia Lâm, từ đầu năm đến nay giá đất tăng 20-25% tùy vị trí. Trong đó, cao nhất là 140 triệu đồng/m2 tại thị trấn Trâu Quỳ; tại xã Đông Dư tăng từ 26 triệu đồng/m2 lên 30 triệu đồng/m2; xã Kiêu Kỵ tăng từ 30 triệu đồng/m2 lên 35 triệu đồng/m2. Theo Văn phòng Nhà đất Gia Lâm, giá đất trên địa bàn huyện có tăng, song không có tình trạng "thổi giá" quá cao.

Người dân cần thận trọng khi đầu tư

Thông tin nhà đất xuất hiện nhiều nơi ở huyện Đông Anh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Tình trạng giá đất tăng cao bất thường tại huyện Đông Anh mấy tháng gần đây chỉ là "sốt ảo". Theo khảo sát của chúng tôi, giao dịch ở đây chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ với nhau, người dân có nhu cầu mua để ở rất ít. Thông tin huyện chuẩn bị lên quận, cộng với quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật ở Đông Anh tương đối tốt là cớ để các nhà đầu cơ, hoặc "cò" đất thổi giá lên cao".

Theo bà Trần Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Đông Anh, tuy có thông tin "sốt đất" tại huyện Đông Anh nhưng xét giao dịch thực tế thì không tăng. 4 tháng đầu năm 2019, Văn phòng tiếp nhận 5.421 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất. Trong khi đó, tổng số hồ sơ tiếp nhận của năm 2018 là 13.909 trường hợp (riêng 6 tháng cuối năm 2018 là 7.844 trường hợp).

Theo đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Hoài Đức, giao dịch chuyển nhượng trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay không tăng, giao dịch đất đai chủ yếu vẫn chỉ là cho - tặng, thừa kế, chia tách.

Tại huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, giao dịch mua bán, làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất tăng nhẹ hoặc ở mức bình thường. Theo ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì, dù giá đất tăng thật hay ảo thì người dân vẫn phải tỉnh táo, nghiên cứu kỹ thị trường trước khi mua.

Còn ông Bùi Thế Công, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho biết: "Chủ trương nâng cấp từ huyện lên quận sẽ có tác động tới thị trường bất động sản, song giá đất tăng cao tùy phân khúc. Hiện, mọi giao dịch đều được thể hiện qua con số đăng ký chuyển quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai của huyện nên có thể xác định là sốt đất thật hay ảo. Chính quyền địa phương không thể điều tiết giá cả, chỉ có thể đưa ra cảnh báo để người dân muốn đầu tư cảnh giác, tìm hiểu kỹ quy hoạch sử dụng đất tại các xã, không mắc bẫy "cò" đất thổi giá để trục lợi".

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích: "Nguyên lý của kinh doanh bất động sản là phải có đầu tư mới tăng giá. Nếu huyện lên quận thì hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ phải tương xứng với đô thị. Các nhà đầu tư cần rút kinh nghiệm bài học 10 năm trước (thời kỳ "sốt" đất), tại các khu đô thị: Thiên đường Bảo Sơn, Geleximco của huyện Hoài Đức, đất biệt thự, liền kề lên đến 80-100 triệu đồng/m2. Sau nhiều năm rớt giá, nay mới có giao dịch trở lại nhưng giá chỉ tăng lên 60-70 triệu đồng/m2 vì hạ tầng vẫn chưa được đầu tư thêm".

Có thể nhận thấy, việc tạo "cơn sốt ảo" tại 4 huyện đều xuất phát từ những nhà đầu cơ, "cò" đất nhằm trục lợi. Vì vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với các hệ lụy nhãn tiền đã xảy ra ở các đợt sốt đất trước đây. Đại diện các cơ quan như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, lãnh đạo các xã… đều cho biết, sẽ sẵn sàng tư vấn, định hướng, cung cấp thông tin tình hình giao dịch thực tế, quy hoạch các dự án… để người dân dễ nắm bắt thông tin, thận trọng trong đầu tư.

Theo HẰNG - DUNG/Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)