Bạn cần biết 10 tháng 9, 2019

Góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn, nên không?

Thứ Ba, 10/09/2019 | 21:09 GTM+7

Nếu bạn có ý định góp chung tiền mua nhà cùng người bạn đời trước khi kết hôn? Nhưng bạn đã lường trước những rủi ro trong cuộc sống hôn nhân?


Xem xét mối quan hệ của cả hai

Việc góp chung tiền mua nhà với vợ/chồng sắp cưới trước khi kết hôn là vấn đề quan trọng, cần được cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Bởi tài chính và hôn nhân là những nguyên nhân chính gây rạn nứt, mối quan hệ gia đình bị đổ vỡ, ly tán.

Cũng không có một công thức chung cho các cặp đôi khi chuẩn bị kết hôn hay đã kết hôn nên mua nhà vào thời điểm nào. Bởi điều đó còn tùy thuộc vào mức độ gắn bó, sự tương quan trong cuộc sống cũng như tình hình tài chính của cả hai.

Để biết đối phương có cùng chung quan điểm hay dự định trong tương lai, bạn nên có một cuộc trò chuyện rõ ràng để hiểu về kế hoạch cũng như mục tiêu tài chính của vợ/chồng sắp cưới.

Ảnh minh họa – Xem xét mối quan hệ trước khi đưa ra quyết định có nên góp chung tiền mua nhà trước khi kết hôn

Cân nhắc về tình hình tài chính trước khi quyết định

Tài chính hiện tại

Một điều rất quan trọng đối với những cặp đôi có ý định mua nhà trước khi kết hôn đó là thỏa thuận trách nhiệm cá nhân về các khoản vay – nợ và nghĩa vụ về tài chính liên quan khác.

Đây là điều tiên quyết mà cặp đôi nào cũng nên thực hiện, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cuộc sống hiện tại và tương lai. Nếu không may xảy ra ly tán, trách nhiệm tài chính sẽ thuộc về ai? Ai là người phải chịu trách nhiệm chính? Và hàng tá những rắc rối sẽ xảy ra nếu hai bạn không thống nhất ngay từ đầu.

Bạn và người bạn đời cần trao đổi một cách rõ ràng về tình hình tài chính của cả hai. Thẳng thắn chia sẻ những thông tin về điểm tín dụng, các khoản vay – nợ, tổng thu nhập và các vấn đề về tài chính liên quan khác.

Với tình hình tài chính của cả hai, có đủ để mua một căn nhà hay cần vay mượn ngân hàng? Lãi suất và thời gian vay trong bao lâu? Khi đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm để sở hữu căn nhà, cuộc sống của cả hai có được cân bằng?

Vì vậy, bạn và đối phương cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Và một điều không thể phủ nhận việc góp chung tiền mua nhà sẽ giúp giảm bớt gánh nặng, áp lực, được chia sẻ về tài chính.

Ảnh minh họa – Xem xét tình hình tài chính của cả hai là điều quan trọng trước khi đưa ra quyết định

Tài chính tương lai

Vấn đề tiền bạc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên những rắc rối trong các mối quan hệ, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình.  

Vì vậy để tránh những rủi ro xảy ra, bạn và người đồng hành cần rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hai. Bằng cách thảo luận và thỏa thuận, phân định về trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, cũng như lường trước những sự cố sau này như ly hôn, tranh chấp tài sản. Bạn nên lưu giữ những thỏa thuận và quy định này để làm bằng chứng và là căn cứ để giải quyết.

Hãy soạn thảo những thỏa thuận này trên giấy tờ, quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng cá nhân bao gồm các chi phí liên quan đến việc mua nhà như:

Thanh toán các khoản vay – nợ

Mỗi cá nhân sẽ trả bao nhiêu cho các khoản vay – nợ? Đã có rất nhiều cặp vợ chồng có các thỏa thuận thanh toán không đồng đều do chênh lệch thu nhập. Và dẫn đến căng thẳng khi một trong hai người chịu áp lực trả nợ quá nhiều.

Chính vì thế, bạn và đối phương cần thỏa thuận và đưa ra phương án phù hợp để cân bằng về trách nhiệm cho cả hai. Tránh gây áp lực hay gánh nặng cho một bên.

Ai có thu nhập cao, sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các khoản vay – nợ cao hơn người còn lại. Và người còn lại sẽ có nghĩa vụ khác tương đương.

Bảo trì và sửa chữa

Một trong những khoản chi phí mà bạn và đối phương không thể bỏ qua khi quyết định mua nhà đó chính là chi phí bảo trì và sửa chữa. Đây là khoản chi phí mà nhiều cặp đôi thường bỏ qua và không tính đến trong kế hoạch tài chính.

Khi không may máy nước nóng bị hỏng, bếp ngừng hoạt động,… ai sẽ là người chi trả cho những khoản này? Hay cả hai sẽ cùng chịu trách nhiệm?

Sẽ có hàng ngàn những vấn đề rắc rối liên quan đến vấn đề này, nhưng nếu bạn lường trước và phân chia nhiệm vụ rõ ràng thì chắc chắn sẽ được giải quyết một cách dễ dàng.

Vì đây là những chi phí được tính trong tương lai, khá khó để đong đếm. Vì thế hãy quy định trách nhiệm được chia đều cho cả hai. Sau đó, có thể điều chỉnh dựa vào mức độ hỏng hóc và tình hình tài chính của cả hai.

Lựa chọn kiểu nhà phù hợp

Ngoài việc thống nhất về tài chính, thống nhất quan điểm để quyết định lựa chọn một căn nhà phù hợp với nhu cầu cả hai cũng vô cùng quan trọng. Thậm chí có thể gây tranh cãi và khó đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, có thể dựa vào một vài những căn cứ sau đây để thảo luận và đưa ra quyết định lựa chọn:

•Căn nhà có vị trí ở trung tâm thành phố lớn, hay trong thị trấn nhỏ hoặc phía ngoại thành?

•Nhà mặt đất hay chung cư?

•Nhà mua lại, xây mới hoàn toàn hay cần sửa chữa như thế nào?

•Mức giá nào là phù hợp với tình hình tài chính của cả hai?

•Có thuận tiện cho việc đi lại của cả hai?

•Tiện ích xung quanh như: siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trường học,…

Từ những căn cứ trên, bạn và đối phương thống nhất lựa chọn kiểu nhà phù hợp cho cả hai. Nếu hai bạn không có điểm chung quá nhiều, hãy đưa ra những ưu điểm và hạn chế để thuyết phục người còn lại. Và cũng đừng quên hỏi ý kiến người thân, bạn bè của cả hai để có sự góp ý trước khi đưa ra quyết định.

Cân nhắc đến trường hợp rủi ro có thể xảy ra

Các mối quan hệ hay cuộc hôn nhân đều bắt đầu với thái độ thân thiện, nhưng đôi khi sẽ xảy ra những mâu thuẫn, tranh cãi thậm chí có thể là ly tán, đường ai nấy đi.

Vì thế, bạn nên lường trước những vấn đề xoay quanh đến việc góp chung tiền mua nhà và tài sản ngôi nhà nếu không may cuộc hôn nhân bị đổ vỡ.

Dưới đây là một số gợi ý bạn nên lưu tâm và tự trả lời để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra:

•Nếu cuộc chia tay xảy ra, ai sẽ là người sở hữu căn nhà?
•Điều gì xảy ra nếu cả hai bạn không đủ khả năng để trả tiền vay nợ?
•Nhà sẽ được bán?
•Một bên sẽ mua nhà từ bên kia?
•Giá mua sẽ được xác định như thế nào?
•Bạn muốn bán còn đối phương thì không?

Như vậy, việc chuẩn bị trước những rủi ro có thể xảy ra là cách tốt nhất giúp bạn chủ động giải quyết tranh chấp tài chính gia đình, ngay cả trong trường hợp xấu nhất.  

Nguồn: moneylover.com

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)