Thứ Sáu, 13/09/2019 | 16:09 GTM+7

Giấc mơ nhà thu nhập thấp: Doanh nghiệp không mặn mà, người dân nản lòng!

Người có thu nhập thấp đang rất khó tiếp cận và sở hữu nhà ở do giá mặt bằng căn hộ đang ngày càng được điều chỉnh lên mức rất cao cùng với nguồn hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà giá rẻ không còn.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà ở thành phố này hiện ở mức rất cao, gấp từ 20 - 25 lần so với mức thu nhập bình quân của người dân, trong khi ở các nước phát triển chỉ ở mức 5 - 7 lần.

Báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam cho thấy, trong quý I/2019, tại TP.HCM có 8 dự án bất động sản chung cư mới mở bán, nhưng lại không có dự án nhà ở giá rẻ nào xuất hiện. Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM mới đây, trong năm 2018 phân khúc căn hộ trung cấp giảm 6.676 căn, tỉ lệ giảm đến 34,2%; phân khúc căn hộ bình dân giảm 6.362 căn, tỉ lệ giảm mạnh nhất đến 44,1%.

Bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn chưa có lời giải - Ảnh minh họa.

Nguồn cung sản phẩm nhà ở giá rẻ, nhà cho người thu thập thấp lâu nay vốn rất hạn chế do các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào phân khúc này vì quỹ đất hạn chế, cơ chế tài chính về vốn vay khó khăn, đặc biệt là biên lợi nhuận kém hấp dẫn... Cho đến nay, số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp được đầu tư xây dựng và hoàn thành trên thực tế rất ít, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở của người dân.

Trong khi đó, với tốc độ phát triển đô thị lớn và gia tăng dân số nhanh chóng, nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp là rất lớn và không ngừng tăng lên trong nhiều năm qua. Theo ước tính TP.HCM hiện có trên 100.000 người có thu nhập thấp cần có chỗ ở, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố. Bài toán nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp là bài toán rất khó; có thể nói đây là một trong những vấn đề lớn cần giải quyết trong nền kinh tế thị trường.

“Đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng, thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỉ lệ lớn nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỉ lệ nhỏ nhất”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra nhận định về câu chuyện phát triển nhà ở giá rẻ của TP.HCM hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) chia sẻ, ngoại trừ giai đoạn 2013 - 2016 thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng, hiện nay Nhà nước vẫn đang thiếu những chính sách về tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên.

Tại các đô thị các sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỉ đồng trở lại) đang rất thiếu; đồng thời thiếu nhà ở xã hội và thiếu cả nhà cho thuê giá thấp.

Vấn đề nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội luôn nóng bỏng và ngày càng trở nên bức thiết đối với TP HCM. Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, hiện có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỉ lệ 23,46% tổng số hộ).

Mặc dù nhu cầu nhà ở thu nhập thấp rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ cũng đã bắt đầu nản chí với những nguyên nhân khác nhau. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là câu chuyện lợi nhuận. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành, một doanh nghiệp chuyên phân khúc nhà giá rẻ ở TPHCM nói thẳng rằng, doanh nghiệp không làm nổi nhà ở giá rẻ nữa bởi thị trường bùng nổ làm nhà ở thương mại cao cấp vì đầu tư 1 đồng, lời 1 đồng, còn làm nhà giá thấp, nhà ở xã hội bỏ 10 đồng mới lời được 1 đồng, vậy chọn cái nào? Rõ ràng, ai cũng chọn đầu tư vào phân khúc sinh lợi cao. Chỉ cần có những biến động thị trường xảy ra như giá vật liệu tăng, đặc biệt lãi suất ngân hàng tăng lên, coi như bị âm vốn ngay tức khắc.

Một lý do nữa mà các doanh nghiệp không mặn mà làm nhà giá rẻ là vì kẹt nguồn vốn. Bởi các ngân hàng ngại cho vay dự án và nếu vay thì lãi suất cao. Thêm vào đó, thị trường trước đây còn có gói vay 30.000 tỉ đồng ưu đãi thì doanh nghiệp còn ngại làm nhà xã hội, nhà thu nhập thấp... giờ nhà nước đã dừng gói hỗ trợ vốn này. Cũng có thông tin sẽ có gói tín dụng bổ sung thay thế gói 30.000 tỉ đồng để "tháo gỡ" khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng đến giờ, vẫn chưa thấy đâu.

Vấn đề quan trọng nữa là mức thu nhập của người thu nhập thấp không tăng tương ứng với giá cả tiêu dùng, giá đất, lãi suất ngân hàng…. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân hàng thì họ rất khó có thể tiếp cận nhà thương mại giá trung bình, trong khi nguồn cung nhà giá rẻ ngày càng sụt giảm mạnh. Vì vậy, giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp hiện vẫn chưa có lời giải.

Theo NGUYỄN LUẬN/kinhtemoitruong.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)