Thứ Ba, 15/10/2019 | 22:10 GTM+7

Giá đất tăng nhanh, Phú Quốc xử lý gần 300 vụ vi phạm đất đai

Huyện Phú Quốc đã xử lý gần 300 vụ vi phạm đất đai với tổng diện tích hơn 98 ha. Nguyên nhân vi phạm là tình hình giao dịch, chuyển nhượng về đất đai tăng đột biến về số lượng, giá đất tăng nhanh.

Giải tỏa lấn chiếm hành lang giao thông xây dựng nhà ở trái phép tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, huyện Phú Quốc kiểm tra, xử lý gần 300 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn, với tổng diện tích hơn 98 ha và 112 trường hợp lĩnh vực trật tự xây dựng với hơn 52 ha.

Đối với lĩnh vực đất đai, huyện xử lý vi phạm hành chính 60 trường hợp, trong đó một trường hợp tự nguyện khắc phục hậu quả tại thị trấn Dương Đông; thu hồi đất thực địa 12 trường hợp diện tích gần ha, số còn lại tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục để cưỡng chế. Thông báo yêu cầu tháo dỡ, khôi phục hiện trạng 107 trường hợp, diện tích trên 47 ha; đã thu hồi thực địa 53 trường hợp, diện tích gần 26 ha, số còn lại tiếp tục tổ chức thực hiện. Những trường hợp còn lại, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm việc với đối tượng vi phạm, ghi nhận hiện trạng, xác minh nguồn gốc xử lý theo quy trình.

Trong lĩnh vực trật tự xây dựng, huyện xử phạt, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có nhiều trường hợp đã thực hiện nộp phạt, tự nguyện tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, hơn 10 trường hợp đặc biệt, huyện lập biên bản vi phạm hành chính trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử lý.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết việc xử phạt diễn ra khi tình hình giao dịch, chuyển nhượng về đất đai tăng đột biến về số lượng, giá đất tăng nhanh. Luật Đất đai 2013 không quy định hạn mức tối thiểu tách thửa đối với đất nông nghiệp dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng gia tăng. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng của một bộ phận không nhỏ cá nhân, tổ chức lợi dụng kẻ hở của pháp luật tiến hành các hoạt động tách thửa, phân lô trên đất nông nghiệp.

Một số nguyên nhân chủ quan khác như việc quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng của chính quyền địa phương từng lúc, từng nơi còn thiếu kiên quyết, thiếu kiểm tra, chưa chủ động trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn vi phạm dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép nhưng không được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Theo KHỔNG CHIÊM/Người Đồng Hành

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)