Thứ Tư, 11/12/2019 | 16:12 GTM+7

Giá đất tăng: Giấc mơ mua nhà sẽ trở nên xa vời hơn

Theo Chủ tịch HoREA, mức giá của bảng giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ dự thảo về khung giá đất, dự kiến nhiều nơi bảng giá đất sẽ tăng đột biến. Mới đây, hàng loạt các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... cũng có sự điều chỉnh mức giá tăng so với hiện nay.

Mới nhất, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình đề nghị HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2019 (dự kiến diễn ra từ ngày 10 – 12/12) xem xét ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2024. Theo dự thảo, bảng giá các loại đất trên địa bàn trong 5 năm tới có tỉ lệ tăng bình quân so với bảng giá đất hiện hành từ 15 – 20% (tùy theo quận và vị trí lô đất).

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, việc xây dựng bảng giá đất theo chiều hướng tăng sẽ ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn TP trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính như: nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp sang đất ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các trường hợp nợ đất tái định cư đã quá hạn 05 năm.

Nhiều tỉnh, thành sẽ tăng giá đất. Ảnh minh họa.

Còn trước thông tin tăng giá đất tại nhiều tỉnh, thành, các chuyên gia lo ngại việc điều chỉnh giá đất theo hướng tăng lên dù thực tế vẫn thấp hơn thị trường sẽ kéo giá bất động sản (BĐS) tăng theo, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến người mua nhà.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), giá thành nhà ở bao gồm nhiều thành tố trong đó có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất chiếm trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy mức giá của bảng giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

“Hiện nay căn hộ nhà ở thương mại hai phòng ngủ có giá vừa túi tiền trên dưới 2 tỉ đồng. Với cặp vợ chồng (có một con) thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm) thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội” - ông Châu chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, việc tăng giá đất sẽ chỉ ảnh hưởng đến ngân sách, thất thu thuế chứ không ảnh hưởng đến thị trường, vì thực tế, giá BĐS đã hình thành và đã cao sẵn như vậy rồi.

Còn theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam, với sự điều chỉnh này, nhiều người có suy nghĩ rằng khung giá đất tăng kéo theo giá bất động sản nhiều nơi sẽ tăng, nhất là phân khúc đất nền. Thêm nữa, khi giá đất tăng, giải phóng mặt bằng tăng, chi phí thu hồi đất, tạo quỹ đất cho các dự án bất động sản tăng sẽ làm chi phí tăng. Tuy nhiên, mức tăng này đều chia đều cho toàn bộ dự án thì chi phí tăng sẽ không hề lớn.

“Việc thay đổi khung giá đất chỉ là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá bất động sản. Và nếu giá có tăng thì thực chất do yếu tố tâm lý là chủ yếu chứ không phải do điều chỉnh giá đất”, ông Quang nói.

Theo NHẬT HẠ/moitruongvadothi.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)