Thứ Năm, 12/03/2020 | 18:03 GTM+7

Giá cho thuê mặt bằng giảm mạnh

Dưới tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và dịch Covid-19, giá cho thuê văn phòng, nhà trọ, mặt bằng kinh doanh... đang có xu hướng giảm mạnh.

Giảm giá để cầm cự

CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh công bố giảm giá 20-40% tiền thuê mặt bằng từ tháng 2 đến tháng 4 cho các đối tác của tập đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm 2 trung tâm thương mại (TTTM) tại TPHCM là Moonlight Plaza (dự án Moonlight Residences ở quận Thủ Đức), TTTM Saigon Mia (khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) và TTTM Vung Tau Melody (TP Vũng Tàu).

Theo đó, Hưng Thịnh triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng TTTM tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, nhằm chia sẻ để các đối tác vững tâm kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.

“Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các đối tác của Hưng Thịnh, xem xét từng trường hợp để quyết định mức giảm tốt nhất trong khoảng 20-40%, thậm chí có thể giảm nhiều hơn. Thời gian hỗ trợ cũng sẽ linh động tùy thuộc vào diễn biến của dịch" - ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Hưng Thịnh Retail - đơn vị thành viên của Hưng Thịnh, cho biết thêm.

Vắng khách do dịch bệnh, nhiều TTTM buộc phải giảm giá cho thuê mặt bằng.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh, cho biết: “Tập đoàn sẵn sàng chấp nhận giảm doanh thu từ việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các đối tác. Tôi nghĩ đây là sự sẻ chia trong khó khăn. Nếu ai cũng tạo lợi nhuận cho mình bằng chính khó khăn của người khác, xã hội sẽ thiệt hại nhiều hơn”.

Trong khi đó, trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), cũng cho biết để chia sẻ một phần khó khăn của các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh tại các tòa chung cư, TDH đã quyết định giảm giá thuê mặt bằng 50% đến lúc hết dịch cúm.

Theo ghi nhận, lượng khách đến các TTTM, siêu thị, quán ăn, nhà hàng, quán bar trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra giảm mạnh, có nơi giảm đến 60-70%. Anh T., chủ một nhà hàng trên đường Trần Não (quận 2), cho biết từ ngày dịch cúm bùng phát, cộng thêm ảnh hưởng bởi Nghị định 100 phạt nặng người tham gia giao thông uống rượu bia, lượng khách đến nhà hàng giảm nghiêm trọng, bằng 30% so với trước đây.

“Nhà hàng hoành tráng nhưng lượng khách chỉ được 5-10 bàn. Với tình hình kinh doanh ế ẩm, nếu kéo dài 1-2 tháng nữa chắc phải tính tới chuyện sang quán đóng cửa cắt lỗ. Hiện chúng tôi đã tinh giảm nhân viên, kiến nghị ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay nhằm cầm cự thêm một thời gian nữa” - anh T. chia sẻ.

Tại quận Thủ Đức, do học sinh, sinh viên hiện vẫn đang nghỉ học, các chủ kinh doanh phòng trọ đã chủ động thông báo giảm giá cho thuê 30-50%. Chị Vân, chủ một khu nhà trọ trên đường Hoàng Diệu 2, cho biết nhiều sinh viên ở trọ từ sau Tết đến nay vẫn chưa quay lại. Trường hợp nào muốn giữ lại phòng, chủ trọ hỗ trợ giảm 50%. Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Vina Office, cho biết hiện các nhà kinh doanh BĐS, nhất là kinh doanh mặt bằng cho thuê, văn phòng đang tự tái cơ cấu, chủ động giảm giá để giữ chân khách hàng.

Chuyển hướng

Theo khảo sát sơ bộ tại các chung cư TPHCM, có đến trên 80% khối đế bán lẻ của chung cư còn bỏ trống. Khi triển khai các dự án căn hộ, chủ đầu tư muốn dành phần diện tích này để cung cấp tiện tích và dịch vụ tại chỗ cho cư dân, nhưng trên thực tế hiệu quả khai thác rất thấp. Về thực trạng này, ông Nguyễn Hồng Hải phân tích, trong 4 năm qua, một lượng lớn nguồn cung của các dự án BĐS dân dụng, nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng tại Sài Gòn và rất nhiều trong số đó có khối đế bán lẻ của các tòa chung cư.

Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và quy định phạt nặng người tham gia giao thông uống rượu bia ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh các nhà hàng, quán ăn trong thời gian gần đây, số lượng khối đế bán lẻ trong tình trạng trống hoặc không được điều hành bài bản, nên chưa thật sự đóng góp nhiều giá trị cho dân cư hiện hữu tại các dự án này.

Thực tế, từ cuối quý IV-2019 nhiều chủ đầu tư đã tính đến việc chuyển sang cho thuê văn phòng, thay vì tổ chức cho thuê khu thương mại. "Có ít nhất 3 nhà phát triển BĐS lớn tại TPHCM đang chuyển hướng sang khai thác cho thuê văn phòng sau khi cho thuê bán lẻ ế ẩm. Quan sát cho thấy mô hình văn phòng chia sẻ cho người khởi nghiệp cũng xuất hiện tại một số khối đế chung cư” - ông Hải chia sẻ.

Năm 2020 được dự báo là giai đoạn vàng của thị trường văn phòng cho thuê bình dân hoặc cỡ nhỏ sau nửa thập niên 2015-2019 văn phòng hạng A và B làm mưa làm gió với kịch bản khan hàng, giá cao. Nhiều doanh nghiệp BĐS nắm được nhu cầu thuê văn phòng rất lớn của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã mạnh dạn nhảy vào thị trường này với tham vọng đánh chiếm thị phần cho thuê tòa nhà trung cấp, hạng C hoặc C+, thậm chí là mô hình văn phòng bình dân.

Các chuyên gia nhận định, thị trường văn phòng cho thuê liên tục tăng giá mạnh mẽ trong nửa thập niên gần đây, trong khi dự báo vài năm tới TPHCM sẽ không có thêm nguồn cung văn phòng cho thuê hạng A mới. Giá thuê văn phòng hạng B cũng đang trên đà tăng. Diễn biến chung của thị trường này là dư địa nguồn cầu còn rất lớn và nguồn cung cao cấp đang thiếu hụt. Đây chính là nguyên nhân khiến làn sóng doanh nghiệp nhảy vào thị trường thuê tòa nhà để khai thác cho thuê văn phòng.

 Hiện các nhà kinh doanh BĐS, nhất là kinh doanh mặt bằng cho thuê, văn phòng đang tự tái cơ cấu, chủ động giảm giá để giữ chân khách hàng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Vina Office

Theo MINH TUẤN/Báo Sài Gòn giải phóng đầu tư tài chính

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)