Thứ Bảy, 14/04/2018 | 17:04 GTM+7

Đừng “sốt” theo đất Phú Quốc

Đừng “sốt” theo đất Phú Quốc

Đất nền Phú Quốc. Nguồn ảnh: Internet

Trong nhiều ngày qua, Phú Quốc lại rầm rộ các phi vụ mua bán đất với giá cả được thổi “lên trời” Nhà nhà mua bán đất, người người mua bán đất khiến huyện đảo vốn bình yên này trở thành “chợ đất” (ngã ba Gành Dầu – Bãi Thơm – Cửa Cạn) sầm uất với đủ loại “cò” và người dân, nhà đầu tư đến giao dịch. Đất Phú Quốc vẫn nóng lên từng ngày và giá đất cao đột biến, nhiều thông tin cho biết giá còn đẩy lên trời thậm chí đến vài tỉ/m2 và chỉ có chút “hạ nhiệt” khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Giá đất Phú Quốc có thật sự cao?

Khi Phú Quốc sắp trở thành đặc khu kinh tế thì giá đất tăng là điều dễ hiểu. Năm 2015, các “ông lớn” bất động sản đổ bộ vào Phú Quốc với các dự án hàng chục nghìn tỉ đồng đã biến viên ngọc thô thành địa điểm đầu tư tiềm năng, tuy nhiên mặt bằng trung bình cũng chỉ từ 10 - 20 triệu đồng triệu đồng/m2 tại trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, 30/04 thị trấn Dương Đông. Đến cuối năm 2017, giá đất đã nhảy vọt lên 3-4 lần, giá từ 40 – 90 triệu đồng/m2. Hay như giá đất một khu vực ở xã Cửa Dương được chào bán 6 -10 tỉ đồng/ công (1 công bằng 1000m2 tương đương với 6 -10 triệu/m2). Giá giao dịch các nền nhà tái định cư từ dự án cáp treo hồi đầu năm nay chỉ khoảng 350 triệu đồng/nền, nay tăng lên dao động ở mức 1,6-1,8 tỷ đồng/nền. Hiện, giá đất tại các xã vùng Bắc đảo như Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu cũng đang tăng nhanh dao động từ 3 – 6 tỷ/công (3 -6 triệu/m2) . Vì thế, so với mặt bằng giá chung trên huyện đảo thì các đợt tăng giá này là “sốt cao” so với thời điểm trước đó nhưng đặt trong tổng thể thị trường bất động sản của cả nước thì cần phải nhận định thêm.

Biệt thự Song lập Sonesea Phú Quốc do CEO Group đầu tư với giá bán 6 -7 tỷ/căn

Nhìn lên Trung tâm kinh tế TP.HCM thì giá đất tại các trục đường lớn, trung tâm thành phố, giá đã đội lên 1,2 tỉ/m2 (đường Nguyễn Huệ), 700 – 800 triệu đồng/m2 tại đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Công trường Lam Sơn,…Năm 2017, đất nền tăng theo khu vực 130% là quận 9, quận 7 tăng khoảng 50%, đỉnh điểm là Thủ Đức với 170%, giá đất nền tại khu vực Phước Long (quận 9) phổ biến 27-35 triệu đồng/m2, hay tại khu Nam TP.HCM, phường Tân Thuận Đông (quận 7) giá đất trung bình 42-55 triệu/m2. Tại Đà Nẵng, trung tâm kinh tế của miền Trung, do khan hiếm nguồn cung, giá đất bị đẩy lên cao, nhiều khu vực nhảy vọt từ 30 triệu đồng/m2 lên đến hơn 50 triệu đồng/m2.

Cách TP. Nha Trang khoảng 50km, Bắc Vân Phong thuộc địa phận huyện Vạn Ninh (Khách Hòa), được quy hoạch sẽ là một trong 3 đặc khu đầu tiên, là khu kinh tế tổng hợp, khu cảng trung chuyển container quốc tế, trung tâm công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, tuy nhiều khu vực còn rất hoang sơ nhưng từ Tết 2018 tới nay, các lô đất mặt đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã) hiện vẫn đang được chào bán với giá dao động từ 60-70 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 2 lần so với cuối năm ngoái.

Hay tại Hà Nội, các tuyến phố có giá đất đắt bậc nhất với mức giao dịch thực tế từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/m2 (quận Hoàn Kiếm) hay quận Cầu Giấy, giá đất cao nhất theo quy định là 48 triệu đồng/m2, tiếp đó là Lê Văn Lương với mức 46 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế, giá giao dịch tại khu vực này dao động 200-250 triệu đồng/m2. Tuyến phố “đắt nhất hành tinh” Ô Chợ Dừa có mức giá giao dịch dao động trong khoảng 280-360 triệu đồng/m2

Từ cái nhìn tổng thể bức tranh giá chung, nhiều đại gia bất động sản đã không ngần ngại rót tiền vào Phú Quốc vì giá vẫn “mềm” hơn so với các nơi “đắc địa” khác. Giá đất Phú Quốc đang quay cuồng với các đợt sốt giá nhưng xét trên tổng thể chung về sự phát triển của Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung thì tăng giá là điều tất yếu. Tuy nhiên mức tăng hợp lý và không làm vỡ quy hoạch vùng để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội mới là vấn đề quan trọng nhất cần lưu tâm.

Dù tiềm năng nhưng vẫn còn hạn chế

Phú Quốc có bãi biển đẹp, bờ biển dài, nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích 563 km2, gần bằng với diện tích Singapore. Phú Quốc nằm ở vị trí trung tâm của các nước Đông Nam Á, chỉ mất khoảng 1 giờ để bay từ Đảo Phú Quốc đến TP.HCM, Phnom Pênh, Băng Cốc, Singapore và Kuala Lumpua.

Sức hút nam châm của các dự án nghỉ dưỡng, condotel (căn hộ nghỉ dưỡng) đổ bộ về Phú Quốc như Condotel CEO Phú Quốc trong Sonasea Condotel & Villas với tổng số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, Dự án nghìn tỷ Vinpearl Phú Quốc, Dự án đẳng cấp Phú Quốc Marina, Dự án JW Marriott Emerald Bay Resort & Spa của Sun Group,…. Phú Quốc trong tương lai có thể cạnh tranh ngang ngửa với Bali và Phuket.

Nhưng nhìn vào hiện tại, hạ tầng giao thông Phú Quốc vẫn chưa hoàn thiện khi có nhiều tuyến đường đất đỏ rất khó di chuyển đặc biệt vào mùa mưa. Nhiều khu vực hầu như không có hệ thống chỉ dẫn hướng đi. Dịch vụ và hạ tầng du lịch trên đảo còn khá sơ khai. Nhà hàng, khách sạn vẫn chưa đáp ứng được lượng khách du lịch đến Phú Quốc những mùa cao điểm, chưa có nhiều dịch vụ phục vụ cho khách du lịch nên chưa thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng nên sẽ là “rào cản” cho sự phát triển của một đặc khu.

Thêm nữa là nhiều dự an resort vẫn đang phê duyệt, chưa triển khai xây dựng, nhiều khu vực khác của Phú Quốc như Đông Đảo vẫn chưa phát triển mà chỉ lay hoay phát triển thị trấn Dương Đông nên không đồng bộ.

Chính vì vậy, một lộ trình phát triển với quy hoạch rõ ràng, chi tiết là điều cần thiết đối với Phú Quốc hiện nay, để tránh tình trạng giá đất thì thổi “lên trời” nhưng hiệu quả đầu tư, lợi ích thu về thì không ước định được.

VIET NGUYEN

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)