Thứ Năm, 13/12/2018 | 21:12 GTM+7

Đừng nhầm lẫn khởi nghiệp và lập nghiệp

Hiện tượng khởi nghiệp ồ ạt trong giới trẻ như một trào lưu thời thượng, đi đâu cũng thấy tinh thần khởi nghiệp nhưng hỏi khởi nghiệp là gì chưa hẳn ai cũng biết. Bài viết của KTS Nguyễn Viết Khim, CEO Thước Tầm Group thể hiện một góc nhìn về khởi nghiệp trong giới trẻ, mời bạn đọc cùng suy ngẫm.

Ngày tốt nghiệp năm học lớp 12, cô giáo của chúng tôi có lần hỏi chúng tôi “Sau này, các em muốn học làm ngành gì?”, rất nhiều câu trả lời được đưa ra: bác sĩ, kỹ sư, cán bộ công chức, làm Nhà nước, phóng viên, thiết kế thời trang,…hơn 1/3 đứa trong tổng số 40 đứa muốn làm…Giám đốc. Khái niệm làm giám đốc của tụi nó rất dễ: có tiền, mở doanh nghiệp thì làm giám đốc.

Nhưng, thực tế là một bài học đáng sợ. Có những “giám đốc” chỉ tồn tại trong vài tháng, thậm chí chỉ trong vài ngày vì doanh nghiệp “phá sản”. Đáng giật mình hơn khi khởi nghiệp trở thành phong trào khi nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp xong lại biến mất hẳn trên thị trường. Lúc này, khởi nghiệp không khác gì một phong trào, trào lưu, dâng lên rồi lại chìm xuống.

Khởi nghiệp không phải là một trào lưu

KTS. Nguyễn Viết Khim, CEO & Founder Công ty Cổ Phần Kiến Trúc Thước Tầm (trái) chia sẻ tại buổi giao lưu Hành trình từ trái tim do Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức

Hiện tượng khởi nghiệp ồ ạt trong giới trẻ như một trào lưu thời thượng, đi đâu cũng thấy tinh thần khởi nghiệp nhưng hỏi khởi nghiệp là gì chưa hẳn ai cũng biết rõ nội hàm, nhiều bạn trẻ cũng sẽ nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp.

Khởi nghiệp là khi bạn có một sản phẩm mới hoàn toàn, chưa có tên trên thị trường, chưa được ai làm trước đó hoặc sản phẩm đã được làm nhưng bạn có phương án đổi mới, sáng tạo mới để thực hiện nó.

Lập nghiệp là mở doanh nghiệp kinh doanh theo những mô hình kinh doanh tồn tại trước đó như mở quán cafe, quán phở... mô hình kinh doanh của bạn giống như hàng trăm doanh nghiệp khác đang tồn tại và phát triển. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đã đánh bật những doanh nghiệp còn non trẻ, khiến cho những bạn trẻ lập nghiệp từ ban đầu không đứng vững được trên thị trường. Theo tôi, chỉ có 10% thành công nhưng có tới 30% thất bại nhanh chóng. Doanh thu có được chỉ bù chi phí ì ạch và gần như đập lỗ, dẫn đến không thể tồn tại. Thường những doanh nghiệp này thất bại trong vòng 5 năm.

Thành công từ đâu mà có?

Các bạn trẻ học hỏi nhiều điều bổ ích sau những đợt giao lưu các gương khởi nghiệp thành công

Thành công đến từ đâu? Các bạn sinh viên, các bạn trẻ có nên khởi nghiệp sớm? Theo tôi, các bạn trẻ vừa mới ra trường chưa đủ kinh nghiệm, trải nghiệm không nên khởi nghiệp ngay. Khởi nghiệp sớm chưa hẳn đi nhanh bởi những sai lầm nhỏ không đáng có do thiếu kinh nghiệm, va chạm sẽ làm doanh nghiệp bạn ì ạch đấy!. Tôi khuyên bạn nên đi làm ít nhất 2 năm để tích lũy kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ, xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân mình.

Các bạn nên nhớ rằng khi đi làm phải làm hết sức mình, bằng cái tâm của mình dù lương ít hay nhiều, công ty tốt hay xấu, sếp có như thế nào đi nữa. Bởi việc làm ngoài tiền lương còn giúp bạn tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm thậm chí sai lầm của bạn thậm chí công ty gánh hậu quả cho những sai lầm của bạn. Ngoài ra việc bạn có thái độ làm việc tích cực, nghiêm túc, nhiệt huyết, khách hàng sẽ là người đánh giá con người của bạn, đó là thương hiệu cá nhân của bạn, là hành trang không thể thiếu để bạn khởi nghiệp.

Đừng học theo Bill Gates

CEO Nguyễn Viết Khim

95% các doanh nhân có ít nhất 1 bằng cử nhân đó là con số đáng ghi nhớ. Tôi nghĩ đừng học theo Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Oprah ... không bằng đại học vẫn thành công. Bởi vì bên cạnh họ còn nhiều yếu tố khác giúp họ thành đạt.  

Có phải khởi nghiệp là con đường duy nhất đến với thành công? Tất nhiên là không.Một doanh nghiệp tồn tại và phát triển phụ thuộc nhiều yếu tố: sản phẩm, quản trị nhân sự, tài chính, marketing, kinh doanh.... và bạn có thật sự giỏi tất cả?.

Nếu bạn chỉ giỏi chuyên môn thì hãy tập trung vào giá trị năng lực cốt lõi này, bởi trên thương trường tất cả các doanh nghiệp điều cần những con người thật sự giỏi chuyên môn và có khả năng lãnh đạo đội nhóm làm việc hiệu quả.

Nhiều chính sách thu hút nhân tài như Esop (chia lợi nhận bằng cổ phiếu ), ưu tiên mua cổ phần giá ưu đãi... được doanh nghiệp ưu tiên. Việc của bạn là chứng minh mình đủ năng lực và xứng đáng được hưởng những chính sách đó, bạn sẽ là một cổ đông, một phần không thể tách rời trong ban lãnh đạo doanh nghiệp “ Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa ta phải đi cùng nhau”.

Chris Cox là người đứng đầu phụ trách nhóm các sản phẩm ứng dụng, trong đó gồm có ứng dụng Messenger, WhatsApp, Íntagram... không phải là người sáng lập mạng xã hội Facebook ... nhưng ông là một trong những người đứng đầu tại Facebook và tất nhiên những thứ mà Chris Cox được hưởng từ Facebook không đâu có thể lớn hơn. Khởi nghiệp cần nhưng không phải là con đường duy nhất đến với thành công!

KTS. NGUYỄN VIẾT KHIM
CEO & Founder Công ty Cổ Phần Kiến Trúc Thước Tầm

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)