Thứ Tư, 31/10/2018 | 22:10 GTM+7

Đừng mất của, mất người mới phòng cháy chữa cháy

Mới rạng sáng nay (31/10), một vụ cháy lớn đã xảy ra tại một quán bar ngay trung tâm quận 10. Đám cháy bùng phát dữ dội và lan ra các khu vực xung quanh, hàng trăm người may mắn thoát chết. Đây không phải là vụ cháy duy nhất trong năm mà gần hết năm 2018, cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người và của.

Vụ cháy chung cư Carina xảy ra vào tháng 3 làm cho 13 người chết, ảnh: Internet

Bà Hỏa nổi giận vì người dân…thiếu ý thức

Vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina (đường Võ Văn Kiệt, Quận 8) đã làm chết 13 người và bị thương gần 100 người. Đặc biệt là người dân chung cư lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, tổng thiệt hại cho chủ đầu tư quá nhiều, đến nay vẫn chưa khắc phục hết hoàn toàn thiệt hại xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến cháy “kinh hoàng” là do lửa bốc lên từ một chiếc xa máy trong hầm gửi xe và hệ thống báo động và phòng cháy chữa cháy không hoạt động. Những nguyên nhân chính này đã gây ra đêm cháy kinh hoàng không thể nào quên của người dân sống tại chung cư Carina.

Trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ thì nguyên nhân do ý thức của người dân chiếm chủ yếu. Chỉ một sơ suất nhỏ trong sinh hoạt gia đình hoặc trong sản xuất cũng có thể gây ra cháy nổ. Nếu không được chữa cháy kịp thời thì lửa sẽ lan đi rất nhanh.

Những nguyên nhân cháy phổ biến nhất là do điện như tự ý câu, móc thêm các tiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu, không kiểm tra thiết bị điện đã dùng lâu năm, chập mạch gây cháy. Tâm lý chủ quan khi ra khỏi nhà không tắt các thiết bị điện làm tăng hậu quả cháy nổ khi chập điện.

Cháy nổ do điện thoại di động cũng trở nên phổ biến khi người dân không quan tâm trang bị những phụ kiện an toàn, vì ham rẻ đồ điện tử có xuất xứ nguồn gốc không rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ chập điện rất cao.

Đốt nhang, đốt vàng mã cũng là nguyên nhân gây cháy. Chưa kể các trường hợp rò rỉ gas, bếp củi trực tiếp phát lửa cũng là nguyên nhân gây cháy trong gia đình. Hiện nay, nhiều gia đình còn có thói quen tích trữ “bom” trong nhà như xăng, các bình gas mini nhỏ, thậm chí bình xăng xe máy…là những nguyên nhân không lường trước hiểm họa sẽ xảy ra.

Pháp luật xử phạt về cháy nổ

Các chung cư, hộ kinh doanh, gia đình phải trang bị phòng cháy chữa cháy khi có sự cố cháy bất ngờ xảy ra, trang bị đồ nghề để tạo lối thoát nạn khi cháy. Tháo lắp điện phải theo hướng dẫn của người có chuyên môn, ra khỏi nhà phải kiểm tra hệ thống điện nhất là những gia đình có người già và trẻ nhỏ.

Chỉ cần có hệ thống báo cháy có thể cứu được nhiều mạng người, ảnh: Internet

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình dành riêng mục quy định về phòng cháy chữa cháy. Trong đó quy định các mức phạt tiền tương ứng với hậu quả xảy ra, 22 nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy đã được quy định cụ thể tại Nghị định 167, trong đó nêu rõ mức phạt tiền cụ thể để xảy ra cháy nổ.

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại dưới 2.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 10.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng.

THỦY NGUYÊN

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)