Động lực của thị trường chứng khoán 2018
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Quang Phúc
Thị trường chứng khoán ngay từ khi “khai cồng” năm 2018 đã ghi nhận nhiều chuyển động có xu hướng nối tiếp đà tăng 48% của năm trước. Sự tăng trưởng của nền kinh tế, sức khỏe lành mạnh hơn của hệ thống ngân hàng cộng hưởng với làn sóng thoái vốn cổ phần Nhà nước, gia tăng niêm yết mới… đang tạo những động lực ngày càng rõ ràng cho thị trường tăng tốc.
Làn sóng niêm yết mới
“Xông đất” cho thị trường đầu năm 2018, và lập tức lọt tốp 20 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường, nằm trong tốp 8 vốn hóa ngân hàng lớn nhất ngay khi lên sàn, HDBank đã đồng thời mở màn cho kỳ vọng về làn sóng niêm yết doanh nghiệp mới và lớn năm nay.
Theo thống kê từ HDBank, ngay khi lên sàn ngày 5-1-2018, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng nhiều phiên liên tiếp đến cận Tết Mậu Tuất, sớm cán mốc mục tiêu từ giá 32.000đ/cp lên 48.000đ/cp. Dĩ nhiên, có không ít nhà đầu tư tìm được thời điểm thu lời và không ít người đặt thêm kỳ vọng vào những ngưỡng giá cao hơn.
Vietnam Airlines niêm yết và giao dịch tại sàn UPCoM góp phần nâng cao mức vốn hóa của ngành hàng không trên TTCK. Ảnh: Xuân Thắng
Câu chuyện của HDBank phản ánh khá rõ kỳ vọng của các nhà đầu tư và niềm tin sẵn sàng đón các cổ phiếu lớn, doanh nghiệp tốt trên thị trường được “lên hàng” trong năm nay, cho dù ngay cả ở những thời điểm chỉ số phải điều chỉnh. Nói như vậy là bởi, vào cuối năm 2017, không chỉ VN-Index tăng trưởng 48%, ngay cả HNX với 17,44% và niềm tin trên thị trường với giá trị giao dịch bình quân khoảng 4.000 tỷ đồng/ phiên cũng đều thể hiện mức tăng tràn trề hứa hẹn. Và “nền tảng” quan trọng, bệ phóng cho các chỉ số ở cả năm 2017 lẫn năm 2018, cho kỳ vọng vào các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục nô nức niêm yết trên sàn, chính là sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế.
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, kinh tế Việt Nam dần cải thiện qua từng năm và kết thúc giai đoạn 2013-2017 đã đi vào thực hiện các chính sách an toàn vĩ mô, giảm bớt lạm phát, tái cơ cấu ngân hàng. “Hiện nay, kinh tế Việt Nam phát triển đồng bộ với khu vực ASEAN, với tăng trưởng của thị trường nổi bật hơn hẳn”, ông Andy Hồ nói.
Cũng theo phân tích của Tập đoàn quản lý quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam, một trong những động lực tích cực của kinh tế VN 2017 và sẽ còn tiếp tục của năm 2018 là tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Cùng với đó, là sự mở rộng của khối đầu tư tư nhân. Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đã và đang có kế hoạch IPO (chào bán cổ phần) trong năm nay. Nối tiếp HDBank, thị trường đang đặt tâm điểm vào Techcombank, TPBank…, và nhiều doanh nghiệp khác.
Chờ đợi các thương vụ lớn
Trong danh sách thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước năm nay, có đông đảo các “mặt hàng” mà nhà đầu tư chờ đợi từ rất lâu. Tiếp bước thương vụ lịch sử 111 nghìn tỷ đồng của Sabeco khi bán vốn cho tỷ phú Thái cuối năm 2017, Habeco hiện đang chờ đợi để “trải thảm hoa hồng” đón nhà đầu tư chiến lược. Nhóm cổ phiếu hàng không - món hàng “nóng” luôn được săn đuổi, gồm cả ACV (Tổng Công ty cảng Hàng không VN), Vietnam Airlines, và nhiều doanh nghiệp hậu cần hàng không khác, đã lên sẵn lộ trình thoái vốn về mức 65% hoặc 51%. Ngoài ra là một loạt các doanh nghiệp lớn thuộc những nhóm ngành hấp dẫn: Đạm Phú Mỹ, PV Oil, PV Power… từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế, chưa kể danh mục các “gà đẻ trứng vàng” khác như BMP, NTP, VNM… của SCIC.
“Sự ổn định của nền kinh tế và lượng mua ròng tiếp tục kể cả khi các mã chứng khoán ảnh hưởng đến chỉ số đều giảm của khối ngoại thể hiện niềm tin trên thị trường. Thoái vốn và niêm yết doanh nghiệp Nhà nước lẫn tăng vốn hóa từ doanh nghiệp tư nhân đều mở ra cơ hội hấp dẫn cho việc nâng hạng thị trường và tăng chất lượng hàng hóa đã được lựa chọn”, một chuyên gia đánh giá.
Chốt đến phiên giao dịch của tháng cuối quý I (ngày 2-3-2018), VN-Index đã đạt mốc 1.121,21 điểm, giá trị giao dịch đạt trên 6.600 tỷ đồng; HNX-Index cũng chốt trên 128 điểm với giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng. Như vậy hai chỉ số chính của TTCK Việt Nam đã quay đầu tăng điểm tích cực sau nhịp điều chỉnh trước đó, hòa cùng với sắc xanh trên sàn chứng khoán chưa niêm yết chính thức UpCOM. Theo thống kê, P/E (hệ số giá cổ phiếu/ lợi nhuận) của chỉ số chính VN-Index hiện đang là 20.71, mức khá cao so với P/E của các thị trường cùng khu vực. Điều đó thể hiện trên bình diện chung, định giá cổ phiếu có lẽ đã không còn rẻ. Nhà đầu tư có sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho các doanh nghiệp niêm yết mới và trong diện thoái vốn? Và đó phải chăng cũng sẽ là ẩn số chính quyết định sắc màu của thị trường chứng khoán năm nay?
"TS Đinh Thế Hiển: Vẫn có khả năng điều chỉnh giảm sâu
Chính nguồn cung khá cao từ việc thời gian tới, sẽ cổ phần hóa 64 doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, góp phần kìm hãm sức tăng của thị trường bởi dòng tiền bị chia sẻ. Ngoài ra, một khi thị trường đã tăng quá cao, những cổ phiếu tốp đầu có P/E đã chạm ngưỡng, thì khả năng điều chỉnh giảm sâu là có thể.
Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích CTCK Maybank Kimeng VN: Hai “đặc sản” hút nhà đầu tư
Ở thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam có hai “đặc sản” là câu chuyện về thoái vốn nhà nước và nâng hạng thị trường. Đây là những điều mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó có thể tìm kiếm được ở nơi nào khác trong một vài năm tới đây. Dù vẫn sẽ còn một quãng đường dài với nhiều việc cần làm, nhưng tâm lý kỳ vọng vào kết quả thăng hạng thị trường là điều rõ ràng."
Theo TRUNG NHẬT/ Báo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
(0)