Dạo quanh các showroom thương hiệu nội thất lớn cả nước, chúng ta hầu như được nghe tư vấn như “Hàng nội thất bên em nhập khẩu 100% từ châu Âu, Pháp, Ý... hoặc “bên em phân phối độc quyền cho thương hiệu A, B, C từ Ý, Châu Âu...”.
Nguồn ảnh: thuoctam.vn
Các showroom chưa có thương hiệu thì hàng nhập thường từ Trung Quốc, Malaysia..., chỉ một số ít các của hàng nhỏ kinh doanh các mặt hàng rẻ tiền sản xuất trong nước.
Các công ty nội thất trong nước chủ yếu sản xuất các hạng mục đo ni đóng giày như ốp vách trang trí, kệ tủ treo tường, tủ âm tường... và thường sản xuất theo thiết kế là chính.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 750 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu chung trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng như vậy nhưng thị trường đồ gỗ nội địa lại đang bị bỏ ngỏ.Thị trường với 90 triệu dân ước tính doanh thu đạt trên 4 tỷ USD đang bị các mặt hàng nhập khẩu và doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm hơn 80% thị phần.
Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiền để sắm những sản phẩm ngoại nhập với giá cao gấp nhiều lần sản phẩm nội. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho thương hiệu Việt trên thị trường nội địa?
Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu được hưởng lợi từ các chính sách như: Thuế nhập khẩu gỗ 0%, sản phẩm gỗ làm ra không chịu thuế, hải quan và thuế vụ ưu đãi... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng gia công với các công ty nước ngoài lớn, được bao tiêu sản phẩm.
Trong khi đó, để phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải tự mang sản phẩm đi giới thiệu, bán hàng, gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gỗ chưa mặn mà với thị trường trong nước. Đồ gỗ nội thất là sản phẩm yêu cầu cao bởi chất lượng sản phẩm và yếu tố thẩm mỹ (thị hiếu khách hàng). Chủ đầu tư sẵn sàng chi trả số tiền lớn gấp nhiều lần để sở hữu những sản phẩm chất lượng cao và độ thẩm mỹ gần như tuyệt đối qua thương hiệu sản phẩm. Đó cũng là cách làm thương hiệu của các thương hiệu nội thất trên thế giới.
Doanh nghiệp Việt hiện nay đang đáp ứng được được các yếu tố chất lượng, thẩm mỹ xuất khẩu đi được các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu... nhưng lại kém trong cách xây dựng thương hiệu, truyền thông đến khách hàng, mở rộng hệ thống phân phối và dịch vụ khách hàng.
Thiết nghĩ rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt những yếu tố này để chiếm lĩnh thị trường đồ gỗ nội địa, tạo dựng thương hiệu đồ gỗ nội thất Việt vươn tầm thế giới.
KTS.NGUYỄN VIẾT KHIM
CEO & Founder Công ty Cổ Phần Kiến Trúc Thước Tầm
Ý kiến bạn đọc
(0)