Dịch Covid-19 tác động như thế nào đến đất nền vùng ven TP.HCM?
Do tác động của dịch Covid-19, thị trường đất nền vùng ven TP.HCM khá trầm lắng so với những năm trước, sức cầu chung của thị trường cũng khá thấp.
Theo DKRA, trong 3 tháng đầu năm, thị trường TP.HCM ghi nhận có 335 nền được bán ra thị trường, tập trung chủ yếu tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Củ Chi, nhưng sức tiêu thụ cũng chỉ ở mức tương đối tốt, đạt khoảng 75%.
Ngược lại, tại thị trường các tỉnh giáp ranh TP.HCM đón nhận nguồn cung khá dồi dào so với cuối năm 2019, riêng trong tháng 1 và tháng 2 có khoảng 1.742 nền. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ khá thấp, khi tỷ lệ hấp thụ tại các thị trường vùng ven như Bình Dương, Long An, Đồng Nai lần lượt là 45,5%, 11,3% và 55,6%.
Hiện tượng sốt đất cục bộ diễn ra vào cuối tháng 2, tại huyện Châu Đức, tinh Bà Rịa - Vũng Tàu với thông tin Tập đoàn Vingroup nghiên cứu lập kế hoạch 2 dự án tại đây. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra chủ yếu ở đất dân hộ lẻ và "sốt ảo" trong thời gian ngắn.
Điều này cho thấy thị trường đất nền vùng ven khá trầm lắng so với những năm trước, sức cầu chung của thị trường cũng khá thấp.
Nguyên nhân được cho là mặt bằng giá bán hiện nay ở nhiều khu vực đã tăng khá cao trong những năm trước đó. Đồng thời, thời gian nghỉ tết kéo dài, tiếp sau là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư chung của thị trường.
Trong khi đó, từng dự báo về thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM trong năm 2020, các chuyên gia dự báo, thị trường nhà đất tại các vùng giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương sẽ tiếp tục diễn biến khá sôi động, nhất là khi chiến lược thu hút đầu tư và phát triển hàng loạt khu đô thị vệ tinh của thành phố được triển khai trong thời gian tới.
Theo phân tích, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội ở thị trường này là ách tắc thủ tục hành chính khiến cho nhiều dự án ở TP. Hồ Chí Minh không thể triển khai suốt hơn 2 năm qua.
Bên cạnh đó, cơ hội từ các thị trường tiềm năng ở một số địa phương giáp ranh, nói cách khác là "một vùng biển còn xanh" khi có ít đối thủ cạnh tranh, cũng hấp dẫn không kém. Đặc biệt, các địa phương này đang xây dựng nhiều chính sách thu hút đầu tư, phối hợp cùng TP. Hồ Chí Minh đầu tư phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng như các tuyến cao tốc, kéo dài tuyến metro số 1, xây mới tuyến đường sắt phụ vụ dân sinh....
Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, nhận định: "Các nhà phát triển BĐS nhìn thấy xu hướng đang lên này và tập trung phát triển những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu người mua. Trong ngắn hạn và trung hạn, sản phẩm được ưa chuộng ở thị trường các vùng giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh sẽ là đất nền và nhà phố hoặc biệt thự xây sẵn. Theo đó, tiến độ các dự án giao thông kết nối càng được đẩy nhanh tiến độ triển khai thì thị trường sẽ càng "nóng", bà Dung nói thêm.
Dẫn chứng một ví dụ cụ thể, bà Dung cho rằng TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch mở rộng vùng đô thị về hướng Long An, lập tức thị trường một số khu vực giáp ranh khởi sắc hơn hẳn. Theo đó, thời gian tới, cùng với sự quan tâm từ Trung ương và các bộ, ngành trong việc rót vốn đầu tư các dự án về hạ tầng giao thông giúp kết nối không chỉ Long An với TP. Hồ Chí Minh mà còn với những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khác một cách thông suốt.
Dù vậy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay đã tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản, trong đó có phân khúc đất nền.
Theo Giám đốc bộ phận R&D DKRA, nhiều khách hàng quan tâm hoặc có nhu cầu mua bất động sản vào thời điểm này đều có tâm lý rất thận trọng, thậm chí tạm dừng kế hoạch mua bất động sản.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)