Thứ Hai, 10/02/2020 | 20:02 GTM+7

Địa ốc trong cơn bão dịch cúm

Những vướng mắc về chính sách liên quan đến đầu tư- kinh doanh bất động sản (BĐS) chưa được cơ quan chức năng tháo gỡ, chính sách tiền tệ cho đầu tư BĐS đang bị siết chặt… thì bước vào những tháng đầu năm 2020, BĐS tiếp tục đương đầu với thách thức mới: dịch nCoV.

Những sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm có tập trung đông người như thế này sẽ bị hoãn, hủy.

Ảnh hưởng trên diện rộng

Với cái nhìn thị toàn cầu, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, cho biết sự bùng phát dịch nCoV đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu, dự kiến tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn trong thời gian tới. Du lịch là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các cuộc khủng hoảng thiên tai (như cháy rừng tại Australia năm 2019, núi lửa Taal phun trào tại Philippines đầu tháng 1 vừa qua), hay sự bất ổn chính trị (Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung).

Đại dịch y tế toàn cầu còn có tác động lớn hơn đến nguồn cầu du lịch thế giới, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số điểm đến cụ thể trong ngắn và trung hạn.

Ảnh hưởng rõ nét nhất đối với thị trường BĐS trong những ngày qua là hầu hết sự kiện giới thiệu dự án, mở bán, chuẩn bị mở bán dự án có thể phải dời, do khuyến nghị của cơ quan chức năng cũng như tâm lý e ngại tiếp xúc đám đông của khách mời.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS chia sẻ, sau ngày rằm tháng giêng, sàn muốn tổ chức cho khách đi tham quan dự án mới kết hợp với giới thiệu cơ hội đầu tư nhưng phải hoãn lại.

Đánh giá về những tác động của dịch nCoV đối với thị trường BĐS, ông Phạm Lâm, Chủ tịch Công ty BĐS DKRA, cho biết dịch bệnh xảy ra đột ngột vào những ngày đầu năm đã làm đảo lộn hầu hết kế hoạch của các doanh nghiệp.

Theo ông Lâm, nếu là khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp sẽ có những giải pháp phù hợp và chủ động hơn. Trong khi đó dịch bệnh đến bất ngờ nên doanh nghiệp cũng bị động, không có giải pháp kịp thời. Một trong các phân khúc ảnh hưởng trực tiếp nhất là BĐS du lịch do lượng du khách giảm.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng giám đốc Hung Thinh Corp, cho rằng hiện nay tâm lý người dân lo chống dịch, chưa nghĩ đến  đầu tư. Có thể 1-2 tháng nữa tình hình mới rõ nét và đi vào chiều hướng ổn định.

Lãnh đạo một công ty địa ốc có trụ sở tại quận 3, TPHCM, cho biết tất cả cán bộ nhân viên hay khách hàng khi đến công ty làm việc đều phải đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt. Những trường hợp có dấu hiệu sốt, ho bất thường phải cách ly, đưa đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Tương tự, Công ty địa ốc NG. đã phát thông báo đến toàn thể nhân viên nghiêm túc thực hiện phòng chống dịch bằng cách đeo khẩu trang y tế suốt thời gian làm việc, rửa tay bằng nước sát khuẩn, kiểm tra sức khỏe, chủ động cách ly nếu bị bệnh. Đặc biệt, những cán bộ, nhân viên đã đi du lịch Trung Quốc, công ty cho phép làm việc tại nhà 14 ngày.

Doanh nghiệp ứng phó

Trong khi các nút thắt chưa được tháo gỡ, với diễn biến khó lường dịch dịch nCoV, chắc chắn càng làm gia tăng khó khăn cho thị trường BĐS ở hầu hết phân khúc trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Châu,
Chủ tịch HoREA


Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết doanh nghiệp đều khá bất ngờ với những bất lợi đầu năm do tình hình dịch bệnh phức tạp những ngày sau Tết Nguyên đán. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm, thay đổi kế hoạch, phương thức kinh doanh.

Ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty PropertyX, cho biết những dự án mới của công ty đang phát triển tại Biên Hòa, Vũng Tàu, Bình Dương hay Quy Nhơn vẫn đang được giao dịch tốt. Song, tâm lý chung của khách hàng là ngại đến những nơi đông người. Vì vậy công ty sẽ thay đổi kế hoạch mở bán tập trung sang tư vấn qua điện thoại di động, hệ thống điện tử.

Giám đốc một công ty môi giới cho biết ông đã thay đổi chiến lược kinh doanh ngay từ đầu năm. Trước kia sàn tập trung môi giới BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, nay tìm kiếm nguồn hàng mới ở phân khúc nhà ở, đất nền là chính. Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng giao dịch quý I sẽ chậm lại, ngay cả căn hộ cao cấp sẽ bị ảnh hưởng khi lượng khách nước ngoài giảm.

Tuy nhiên, các BĐS có sổ hồng trao tay vẫn có thể giao dịch, cụ thể phân khúc nhà phố, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư thu hút trong năm nay.

Giám đốc một công ty BĐS khác cho biết, để thích nghi với tình hình hiện nay, tuần tới HĐQT công ty sẽ họp đột xuất để tìm kiếm những giải pháp phù hợp. “Có thể chúng tôi sẽ điều chỉnh kế hoạch, cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, thậm chí có thể cắt giảm nhân sự ở những bộ phận không thật sự cần thiết để nỗ lực gồng gánh trong những tháng tới” - vị này chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, đây chỉ là ảnh hưởng nhất thời, về lâu dài phải xem diễn biến dịch tới đâu mới có những tác động cụ thể. Phân khúc BĐS nhà ở, mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Có chăng là các chương trình mở bán, hội nghị, khai trương, ra mắt dự án mới đang phải hủy, hoãn. Theo thông lệ, sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày đến hết tháng giêng, các doanh nghiệp mới quay lại thị trường. Nên còn phải chờ tác động và diễn biến của dịch nCoV để xem tác động đến thị trường thế nào.

Với BĐS công nghiệp, các dự án đang chuẩn bị động thổ xây dựng cũng có dấu hiệu hoãn, hủy chờ tác động của dịch qua đi. Đây là phân khúc bị ảnh hưởng mức độ trung bình. Thời gian tạo lập, tính toán dự án lâu với kinh phí lớn, nên việc trì hoãn đợi dịch lắng dịu có lẽ cũng đã nằm trong kế hoạch dự phòng rủi ro của dự án. Trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội, và những ai tận dụng được cơ hội, thị trường có thể vươn lên bứt phá trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Nam Hiền cho biết, thay vì tập trung đối tượng khách hàng là nhà đầu tư thứ cấp như nhiều năm qua, các doanh nghiệp địa ốc cần tái cơ cấu sản phẩm, chú trọng phát triển dự án phục vụ khách hàng có nhu cầu ở thực; đồng thời thay đổi chiến lược, tìm kiếm khách hàng ở nhiều thị trường để cân bằng và chủ động trong kế hoạch kinh doanh.

Theo TRÀ GIANG - MINH TUẤN/Báo Sài Gòn giải phóng đầu tư tài chính

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)