Du Lịch - Nghỉ Dưỡng 19 tháng 11, 2018

Đi vào thế giới Gốm Bàu Trúc – Hồn gốm Mộc

Thứ Hai, 19/11/2018 | 21:11 GTM+7

Từ bãi bồi lưu vực Sông Quao (Ninh Phước, Ninh Thuận) những thửa đất sét trong các ruộng được đào từng lớp mang về làng. Qua bàn tay nghệ nhân Chăm, thế giới tâm linh, tinh thần, tự nhiên,… được thành hình một cách hồn nhiên nhất.

Làng gốm Bàu Trúc nằm ven đường sắt Bắc Nam, khách ngồi trên tàu ngang làng có thể nhìn thấy những ụ khói dọc đường ray. Đó là những mẻ nướng gốm của người Chăm làng Bàu Trúc, làng gốm handmade, thô mộc với cách tạo gốm độc đáo hiếm hoi còn tồn tại ở Đông Nam Á.

Người mẹ Chăm nắn gốm.

Những cư dân đầu tiên ở làng gốm Bàu Trúc đến lập làng ven sông Quao, chủ yếu sống bằng nghề nông. Nhưng vùng đất thấp và những trận lũ kinh hoàng khiến bà con phải chuyển dời ra làng mới, cách triền sông chừng cây số, chính là làng gốm Bàu Trúc ngày nay. Làng mới bên cạnh hồ nước có nhiều cây trúc. Và từ đó, làng Bàu Trúc (nghĩa là “hồ nước có nhiều trúc”) định hình, cư dân sống ổn định cho đến ngày nay.

Chất đất sét sông Quao dẻo đặc biệt, canh tác lúa không đạt năng suất cao như ở nơi khác, nhưng để làm gốm thì quả là tuyệt vời. Người có công nghiên cứu, khai sáng làng nghề gốm là ông tổ làng Po Klaung Chan, một tùy tùng thân tín của vua Po Klaong Girai, hàng ngàn năm trước. Ông đã phát hiện ra chất đất đặc biệt của lưu vực sông này và dạy cho bà con làm ra những sản phẩm thô sơ nhất của làng nghề. Đó là những đồ bếp nói riêng, đồ gia dụng nói chung, phục vụ cho cả vùng.

“Nướng gốm” không phải “nung gốm”

Đốt gốm lộ thiên.

Với nhiều làng nghề gốm khắp cả nước, việc tạo gốm được gọi là quá trình “nung”. “Nung” là một hoạt động um kín ở nhiệt độ cao. Nhưng với gốm Bàu Trúc, câu chuyện làm gốm từ xa xưa đến nay vẫn là những bước đi nhỏ của nghệ nhân chuyển động đều quanh bàn chế tác, không hề dùng bàn xoay tự động, và việc nướng gốm vẫn là lộ thiên, không qua lò nung kín. Vì vậy, để gọi đúng công đoạn tạo gốm cuối cùng ở Bàu Trúc phải là: “nướng gốm”. Khi gốm được định hình, vẽ hoa văn và phơi khô, nghệ nhân phải xếp gốm gọn ven đường làng, trong các sân rộng, bờ sông, cánh đồng,… và chất 1 lớp củi, 1 lớp rơm lên đốt nướng trong vòng 6-8 giờ.

Chỉ với hai từ “nung” và “nướng”, nhưng có sự khác biệt lớn. Vì nhiệt độ gốm đạt mức tối thiểu để kết men phải là 1.000 độ C. Điều đó đồng nghĩa, người làm gốm phải ém khí trong lò kín để tăng nhiệt độ lên cao quá 1.000 độ C. Nhưng với cách nướng gốm lộ thiên (không um kín) của làng Bàu Trúc, nhiệt độ gốm chỉ đạt khoảng 800 độ C. Chuyện gốm Bàu Trúc kể men ở nhiệt độ non như vậy là không thể.

Gốm Bàu Trúc được nhận diện là không men, mộc mạc, thậm chí sần sùi bên ngoài. Điều đó phân biệt với tất cả các dòng gốm có men bóng loáng khác trong nước như Bát Tràng, Lái Thiêu, Biên Hòa,…

Mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chuyển tải tinh thần và đời sống tâm linh của người dân

Nhiều người cắc cớ hỏi: “Vì sao bà con làng Bàu Trúc không dùng bàn xoay cắm điện mà cứ phải đi quanh bàn chế tác đắp đất bằng tay làm gì khổ sở vậy?”, “Vì sao không đầu tư lò kín mà phải đốt ngoài đồng với chất gốm non hoài?”,… Có nhiều cách trả lời: vì bà con bảo thủ, vì bà con nghèo không có tiền đầu tư lò nung kín,… Nhưng chung quy lại, chính sự bảo thủ đó, chúng ta mới được chứng kiến một hình thức làm gốm độc đáo còn sót lại giữa đời sống hiện đại, mà công nghệ hóa là xu hướng. Có thể nói, bản thân cách làm gốm của Bàu Trúc đã nghiễm nhiên trở thành một giá trị phi vật thể từ rất lâu, dù làng gốm chỉ vừa được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia chừng 1 năm mà thôi.

Nhận diện nét truyền thống nhất

“Đâu là những sản phẩm gốm Bàu Trúc truyền thống nhất?”, “Đâu là chất gốm, màu gốm,… theo cách làm truyền thống từ ngàn xưa?”, “Đâu là hoa văn “cổ nhất”?... Trả lời được câu hỏi đó, sẽ là căn cứ cho việc bảo tồn làng nghề.

Thế giới tâm linh và tinh thần với gốm Bàu Trúc.

Những mẻ gốm đầu tiên của làng Bàu Trúc bắt đầu từ bàn tay của ông tổ Po Klaung Chan, chỉ là những dụng cụ làm bếp thô sơ như nồi đất, kho tộ,… cùng những đồ gia dụng như lu, khạp,… và màu sắc truyền thống của gốm Bàu Trúc đương nhiên chỉ là màu nâu bạc hay ửng đỏ đặc trưng của đất nướng sông Quao quyện thêm những vết cháy đen đậm nhạt tùy vào lửa than hay lửa ngọn, độ phủ của tro trấu, vết đen hằn lá cây trên gốm,… hay nhựa cây tươi dính vào bề mặt gốm trong suốt quá trình cháy.

Một sản phẩm phiên bản đất sét.

Cho đến khoảng 20 năm trước, làng gốm Bàu Trúc chủ yếu vẫn sản xuất đồ bếp – gia dụng. Chưa nhiều người biết đến, quan tâm đến. Dù truyền thông đã một vài lần khuấy động. Cho đến khi một cuộc triển lãm của Nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng diễn ra tại Sài Gòn (khoảng năm 2002). Những chiếc bình, chum, vại được Sỹ Hoàng đặt riêng nghệ nhân Chăm và gia công thêm phụ kiện đã có giá hàng chục triệu ở một số sản phẩm.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng, đó là một “cú hích” cho làng nghề. Được biết, thời điểm đó trở về trước, giá sản phẩm gốm Bàu Trúc tại làng vẫn không có giá trị kinh tế. Thậm chí lăn lóc đầy các xó bếp. Nhưng đúng là từ sau cuộc triển lãm của NTK Sỹ Hoàng, cùng với sự cộng hưởng của truyền thông ủng hộ làng nghề, gốm Bàu Trúc bắt đầu cuộc “lột xác” mới. Nhiều khách du lịch đến và làng nghề bắt đầu sống được bằng nghề gốm. Nhiều mẫu mới được khách phương xa đến đặt. Hàng mỹ nghệ phát triển rộ lên. Cho đến gần đây thì có dấu hiệu chững lại, đi xuống, cùng với việc nếp sống làng nghề bắt đầu thay đổi. Nếp xưa - nhà cũ dần bị mai một.

Là một là duy nhất

Việc đốt gốm bằng rơm, củi và chế tác bằng tay của gốm Chăm làm cho những sản phẩm khó đều nhau. Cái cao, cái thấp, cái tròn, cái dẹt. Thậm chí, khi con người cố làm cho giống nhất thì giữa 2 sản phẩm qua nhiệt độ, độ vênh, co giãn của đất, tương tác nhiệt lại hoàn toàn khác nhau, tạo ra những hình dáng, màu sắc khác nhau. Sự tương tác nhiệt độ, than củi,... hằn lên gốm được gọi đơn giản là “hỏa biến”. Hỏa biến thì tùy duyên, tùy ông trời. Con người có muốn cũng khó có thể can thiệp được. Đo đó, một sản phẩm gốm đến tay người sử dụng, xét góc độ tâm linh, như là một chữ “duyên”.

Mỗi sản phẩm “là riêng, là duy nhất” dù cùng kiểu dáng.

Một số khách hàng hiểu về gốm Bàu Trúc, đôi khi một vài vết vạt miệng, một vài vết xước trên thân gốm được họ lý giải rất đơn giản: cái duyên. Mà đã là “duyên” đến thì vui vẻ và nhẹ nhàng chấp nhận. Thậm chí, những tín đồ nghệ thuật “Wabi Sabi” (nghệ thuật không hoàn thiện) hay nghệ thuật trang trí sân vườn thì những sản phẩm bị cho là lỗi, hư bể của gốm Bàu Trúc lại có sức hút đặt biệt, được nâng niu, trân quý. Vì người chơi quan niệm, muôn vật dưới ánh mặt trời này, đâu có gì là hoàn thiện?

Mồ hôi từng mẻ gốm

Người ta gọi vui, đất sét sông Quao là “đất Thạch Sanh”, tức là đất có khả năng tái sinh hay tự bồi đắp. Cụ thể, khi chủ ruộng đào lớp đất sét mặt bán cho các hộ làm gốm thì họ sẽ làm động tác tiếp theo là tháo nước để phù sa sông Quao tràn vào lắng đọng thành một lớp đất bồi. Sau một quãng thời gian họ sẽ quay lại khai thác. Nhưng “vòng xoay” khai thác đó càng ngắn lại, đất không đủ thời gian để phục hồi. Vậy là, những mẻ đất khác nhau, luôn ẩn chứa những “thành phần đất” khác nhau. Đòi hỏi người làm gốm phải có kỹ năng giải mã, phân tích độ dẻo, để trộn cát, nhào nước với một tỉ lệ hợp lý. Đã biết bao mẻ gốm đốt ra bị răng, nứt chỉ vì một phút lở đễnh đánh giá sai chất đất hay trộn đất sét với cát mịn với tỉ lệ không phù hợp. Với những sản phẩm tượng, chum lớn trên nửa mét, khả năng răng, nứt khi đốt ra là rất cao. Tỉ lệ đó càng cao hơn khi càng ngày, những khối đất chất lượng như xưa là khó kiếm.

Thế giới tâm linh và tinh thần với gốm Bàu Trúc.

Chuyện nung đốt lộ thiên cũng là một rủi ro lớn, nhất là gốm sản xuất vào mùa mưa. Những mẻ gốm nóng ran trong lửa sẵn sàng nổ thành từng tiếng “bục” lớn, chỉ còn trơ những mảnh vụn đều tắp. Nghệ nhân chỉ biết khóc ròng. Chỉ có đám trẻ con ngây thơ là đứng xem vô tư lự. Để tránh rủi ro do thời tiết (mưa), người nghệ nhân phải trông trời, trông đất trông mây,… như nhà nông.

Hãy xem một người cời rơm đốt gốm bụi mù cay mắt. Những ngọn gió Phan Rang thổi xuôi ngược, người nghệ nhân phải chạy quanh con gió châm rơm mệt nhừ. Những người cha, người mẹ làm gốm bàn tay chai sạn, suốt ngày cặm cụi uốn nắn tỉ mỉ bên khoảng sân. Từ đó, một trời nghệ thuật và tâm linh thoát thai từ đất: nồi niêu, chum vại, bình hoa, tượng thần Shiva, phúc thần Ganesha, vũ nữ Apsara, Nữ thần thi ca Sarasvati,… của Bà La Môn giáo, hay thế giới động vật ngộ nghĩnh, có phần cục mịch và chất phác, bước ra từ sau màn khói lửa.

Có những đời nghệ nhân gốm trôi qua như cơn gió thoảng bên cánh võng hiên nhà, trên tay vẫn còn những vốc đất chưa kịp thành hình, để lại những ánh mắt thơ dại… và tương lai thăng trầm của làng nghề qua từng biến động thời cuộc.

CÁC CÔNG ĐOẠN LÀM GỐM BÀU TRÚC

Chuẩn bị đất: Đất sét được đập thành những cục nhỏ, phơi khô, loại bỏ những tạp chất. Cát cũng được sàng lọc kỹ, và lượng cát pha với đất linh động. Nghệ nhân dùng chân để nhồi đất và cát mịn, cuộn thành từng lọn hình trụ và phủ kín bằng tấm vải để ủ qua đêm. Sau đó, phải nhồi và lăn lại đất nhiều lần bằng tay, rồi vo tròn thành cục, đặt lên hòn kê, bàn chế tác để tạo dáng cho các sản phẩm.

- Tạo dáng gốm: Người làng gốm Bàu Trúc vẫn giữ cách làm gốm nguyên sơ của mình từ bao đời, họ không làm bằng bàn xoay như những nơi khác mà người thợ phải xoay quanh sản phẩm.

- Nặn hình: để tạo dáng gốm ban đầu, sau đó dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm.

- Chà láng: dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay rồi chà láng mặt ngoài của gốm.

- Trang trí hoa văn: dùng que cây, vỏ sò, hoa thực vật... để tạo hoa văn trên gốm, chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, bông hoa... có họa tiết đơn giản nhưng mang vẻ đẹp rất riêng.

- Nung gốm: Các sản phẩm gốm Bàu Trúc được nung ngoài trời, và phải phơi khô trước một ngày. Khi nung, củi được xếp thành hình chữ nhật, phía trên xếp úp 2-3 lớp gốm, phía dưới xếp những sản phẩm gốm lớn hơn. Tiếp đó toàn bộ phủ một lớp rơm rạ dày khoảng 0,2 mét, và bên trên là một lớp trấu mỏng. Người thợ đốt theo chiều ngược gió. Thời gian nung khoảng 6 giờ đồng hồ, đến khi gốm chín tới thì dừng. Sau nung, có lò xử lý thêm nước màu tự nhiên như nước cây thị (màu đen, trước đây) hay nước hạt điều, cũng có màu đen.

HẠNH TRÍ

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)