Thứ Bảy, 30/03/2019 | 16:03 GTM+7

Đà Nẵng tiếp tục xin lấy lại sân Chi Lăng nhưng ‘không hề đơn giản’

Việc Đà Nẵng xin lấy lại sân Chi Lăng bằng cách trả 1.200 tỷ đồng cho ngân hàng là "không khả thi vì phía ngân hàng khó có thể chấp thuận khi mất số tiền quá lớn", theo nhận định từ Phó Ban Nội chính Trung ương.

Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng, liên quan đến việc xử lý sân vận động Chi Lăng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ sẽ làm việc với các cơ quan tư pháp xem xét về khả năng kháng nghị theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án đã có hiệu lực trước đó. Thông tin này được đưa ra trong buổi làm việc của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vào sáng nay (29/3).
Sân vận động Chi Lăng là tài sản thu hồi theo quyết định trong vụ án Phạm Công Danh. Tuy nhiên, việc thu hồi đến nay còn nhiều vướng mắc pháp lý chưa giải quyết được.

Chính quyền Đà Nẵng nhiều lần đề nghị xin lấy lại sân Chi Lăng bằng cách trả tiền cho ngân hàng. Ngay tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tiếp tục đề xuất xem xét xử lý theo hướng tòa án xử hủy quyết định hành chính về việc giao đất, tách Giấy chứng nhận không đúng quy định. Từ đó, thành phố sẽ thỏa thuận hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng.

Sân vận động Chi Lăng. Ảnh: Hữu Khá/TT

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan trung ương xem xét chỉ đạo giải quyết sớm vì để kéo dài sẽ phát sinh thêm những hệ lụy phức tạp do một số hộ dân đã giải tỏa, bố trí tái định cư nhưng vẫn chây ỳ chưa chịu di chuyển.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, qua công tác điều tra xét xử vụ án Phạm Công Danh cho thấy có nhiều sai phạm từ công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng của chính quyền TP Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2015 như quá trình kêu gọi đầu tư, lập thủ tục giao đất; giao đất không đúng thẩm quyền; giao đất không căn cứ dự án đầu tư...

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh sai phạm lớn nhất và gây phức tạp nhất chính là việc trong khi nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện dự án, chưa làm thủ tục đăng ký đầu tư, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tách sân vận động Chi Lăng thành 10 lô đất để cho các công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng thế chấp vay vốn ngân hàng, làm phát sinh về tăng giá trị nợ và lãi vay.

Tuy vậy, ông Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng dù rất đồng tình với việc giữ lại sân vận động Chi Lăng nhưng việc giải quyết không hề đơn giản. Phương án thỏa thuận mà thành phố đề xuất không khả thi vì phía ngân hàng khó có thể chấp thuận khi mất số tiền quá lớn.

Ông Trương Hòa Bình nhận định, việc giải quyết phải trên cơ sở pháp luật và thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan. Chính phủ sẽ làm việc với các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát tối cao đề nghị xem xét lại bản án đã tuyên trước đây. Nếu có căn cứ thì đề nghị kháng nghị và tiến hành điều tra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu bản án là đúng thì cũng tìm kiếm các giải pháp cả về pháp luật và chính trị để xử lý tiếp trong quá trình thi hành án.

Theo KHỔNG CHIÊM/Người Đồng hành

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)